Dân Việt

Nghệ thuật ba miền hội tụ đất Tổ

Dương Xuân 08/04/2014 09:26 GMT+7
Dịp Giổ Tổ Hùng Vương năm nay, góp giỗ với Phú Thọ gồm có các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long, An Giang.
Và những di sản, nghệ thuật văn hóa đặc sắc từ các địa phương này đã và đang được hàng trăm nghệ sĩ giới thiệu đến du khách và người dân đất tổ trong những ngày này.

Phong phú và đặc sắc

Không chỉ tham gia chương trình nghệ thuật lớn chào mừng Lễ hội Đền Hùng 2014 với chủ đề “Về miền quê di sản” tối ngày 5.4 (6.3 âm lịch) tại Quảng trường Hùng Vương với các tiết mục trình diễn đờn ca tài tử, quan họ Bắc Ninh và hát xoan Phú Thọ..., các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đến từ các tỉnh bạn còn có những buổi diễn phục vụ đông đảo khán giả tại khu vực Lễ hội Đền Hùng và một số địa điểm trên địa bàn TP. Việt Trì.

Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh.
Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh.

Góp giỗ với địa phương chủ nhà trong các hoạt động lễ hội, có lẽ đặc sắc và đáng chú ý hơn cả, luôn luôn là các chương trình, tiết mục nghệ thuật. Đặc biệt khi nghệ thuật được đưa đến từ những vùng miền, địa phương khác nhau với nhiều nét độc đáo riêng biệt.

Các nghệ sĩ từ 2 tỉnh phía Nam là Long An, Vĩnh Long cùng gửi đến công chúng những tiết mục, bài bản đờn ca tài tử và cải lương đặc sắc với những giai điệu phong phú được thể hiện bằng nhiều loại nhạc cụ đặc trưng của các bộ môn này.

Chương trình nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Long, ngoài những tiết mục đờn ca, hòa tấu mang dấu ấn địa lý, phong tục Nam Bộ, còn có những bài ca tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử, con người những miền đất khác như “Sự tích dưa hấu”, “Lam Sơn khởi nghĩa”, “Thăng Long đất sử”…

Với tỉnh Quảng Bình, 35 nghệ sĩ ca múa dân tộc của đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh đưa đến Phú Thọ “thực đơn” phong phú với 13 tiết mục giới thiệu vốn liếng cổ truyền từ nhiều địa bàn trong tỉnh như: Hò thuốc Minh Hóa, hò khoan Lệ Thủy, hò hụi Cảnh Dương, hò lĩa gỗ Đức Ninh, hát giao duyên của đồng bào người Bru Vân Kiều và trình diễn tái hiện lễ hội đập trống của đồng bào người Ma Coong…

Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình - nghệ sĩ Quách Sỹ Dũng cho biết: Đã từng tham gia biểu diễn ở các địa phương, trong đó có Festival Huế, đây là lần đầu tiên các tác phẩm ca múa mang âm hưởng nghệ thuật dân gian từ Quảng Bình đến với Phú Thọ.

Giao thoa 3 di sản



"Ngoài ý nghĩa hướng về cội nguồn, cùng dâng tiếng ca giỗ tổ, đây là cuộc giao lưu dân ca, cổ nhạc ba miền với di sản hát xoan ở địa phương sở tại và di sản từ các địa phương khác”.

NSƯT Quý Tráng - Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh

Dân ca quan họ từ Bắc Ninh được 40 nghệ sĩ, chủ yếu là những gương mặt trẻ, trình diễn trước khán giả bằng cả 2 hình thức trong hai phần của chương trình “văn nghệ góp giỗ”. Phần một gồm những bài bản quan họ cổ như “Em là con gái Bắc Ninh”, “Tiên sa xuống cõi trần chơi”, “Lâm Tri chút ngãi đèo bòng”… hát theo kiểu lề lối, không nhạc đệm.

Phần hai, là những tiết mục có tính chất sân khấu hóa với hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, có dàn dựng múa phụ họa, dựa trên những giai điệu cổ và những sáng tác của các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nguyễn Tiến, Trọng Tĩnh, Đức Miêng…, mang đề tài Bắc Ninh – Kinh Bắc với âm hưởng quan họ.

NSƯT Quý Tráng – Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh nhận xét: Ngoài ý nghĩa hướng về cội nguồn, cùng dâng tiếng ca giỗ tổ, đây là cuộc giao lưu dân ca, cổ nhạc ba miền với di sản hát xoan ở địa phương sở tại và di sản từ các địa phương khác. Các nghệ sĩ có dịp gặp gỡ, trao đổi và thưởng thức tiết mục của đơn vị bạn. Đó thực sự là một cơ hội quý giá!

Chánh Văn phòng Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long - ông Trần Minh Triết nói: Đây là dịp hòa chung, giao thoa của ba di sản phi vật thể của thế giới: Quan họ, hát xoan và đờn ca tài tử. Mong rằng sẽ không chỉ có một dịp này, để nghệ thuật truyền thống từ ba miền lại có dịp cùng cất tiếng.