Dân Việt

Đề nghị truy tố Nguyễn Mạnh Tường 2 tội danh

Thắng Quang 16/01/2014 16:28 GMT+7
Ngày 16.1, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho biết đã hoàn tất hồ sơ, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Tường về 2 tội danh.
Đó là tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 BLHS và tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo điều 246 BLHS.

Ngoài ra cơ quan công an còn đề nghị truy tố đối với Đào Quang Khánh về tội “ Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS.

img
Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường

Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Giải Phóng, Hà Nội) là người trực tiếp gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng, bơm ngực tại Thẩm mỹ viện Cát Tường chiều ngày 18.9.2013.

Sau khi chị Huyền tử vong, Nguyễn Mạnh Tường đã chỉ đạo các nhân viên thu dọn, tháo dỡ toàn bộ đồ đạc của Trung tâm mang đi cất giấu. Khi thấy mọi người dọn dẹp đồ đạc thì Đào Quang Khánh đã đi vào phòng nơi thi thể chị Huyền lấy chiếc điện thoại Iphone 5 trong túi xách của chị Huyền rồi đi ra ngoài.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, Tường cùng một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đưa đến Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội. Thấy tại cổng bệnh viện đông người, trong khi thi thể chị Huyền đã co cứng nên các đối tượng đã bàn bạc không đưa vào Bệnh viện nữa mà đưa ra sống để phi tang. Khánh điều khiển xe máy của chị Huyền đi theo sau xe ô tô của Tường.

Đến giữa cầu Vĩnh Tuy, do trên cầu có nhiều người qua lại nên Tường lái xe tiếp tục đến đường Cổ Linh, Long Biên, Hà Nội thì dừng lại. Khánh bỏ lại xe máy cùng túi xách của chị Huyền rồi lên xe đi cùng Tường lên cầu Thanh Trì.

Đến giữa cầu, Tường dừng ô tô và cùng Khánh khiêng thi thể chị Huyền ném xuống sông Hồng, sau đó về nhà. Đến nay thi thể chị Huyền chưa tìm được dù người nhà và cơ quan chức năng đã nỗ lực tìm kiếm nhiều ngày. Tại cơ quan điều tra, các bị can đã khai nhận hành vi của mình.

Quá trình điều tra, gia đình bị can Nguyễn Mạnh Tường đã tự nguyện bồi thường cho đại diện gia đình bị hại 150.000.000 đồng.

Điều 242 BLHS. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác:

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 246 BLHS . Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 138 BLHS. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.