Tới khi Công ty Phân bón Bình Điền chính thức tham gia thì chương trình bắt đầu được thí điểm tổ chức với tên gọi: "Mô hình liên kết 4 nhà quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho lúa thâm canh" vụ mùa năm 2008 - 2009, trên địa bàn 2 xã thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, với diện tích 160,5ha, 130 hộ nông dân tham gia.
Các "Cánh đồng mẫu lớn" theo tiêu chuẩn VietGAP đang ngày càng được triển khai nhiều ở ĐBSCL. |
Mô hình thí điểm thành công tốt đẹp, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng, đã dẫn tới quyết định của tỉnh Tây Ninh tăng thí điểm mô hình trong 2 vụ (đông xuân năm 2009 - 2010 và hè thu 2010) tại 4 xã, ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu và Châu Thành, trên diện tích 593ha, 455 hộ nông dân tham gia. Kết quả, nông dân trong mô hình thu được lợi nhuận mỗi vụ cao hơn nông dân ngoài mô hình hơn 2,7 triệu đồng/ha.
"Thừa thắng xông lên", vụ đông xuân năm 2011, được sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Viện KHKT nông nghiệp miền Nam cùng sự phối hợp của Công ty Phân bón Bình Điền, một số công ty kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn, Sở NNPTNT Tây Ninh đã tổ chức thực hiện "Mô hình liên kết 4 nhà, thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP" trong vụ lúa đông xuân 2010-2011 trên địa bàn 11 xã, thuộc 6 huyện, với 920,75ha và 653 hộ nông dân tham gia.
Vụ đông xuân thí điểm, tạm gọi trên "cánh đồng mẫu lớn" này, vừa kết thúc. Các nhà tổ chức và bà con nông dân đều phấn khởi bởi kết quả đạt được rất khả quan. Tổng lợi nhuận trên 1ha của nông dân trong mô hình là 17,9 triệu đồng, tăng hơn 3,4 triệu đồng so với các hộ nông dân ngoài mô hình.
Ông Vương Quốc Thới - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết: "Đây là lần đầu tiên mô hình được triển khai trên diện tích lớn (gần 1.000ha), thực hiện trên 6 huyện có sự khác nhau về nhiều mặt.
Toàn bộ nông dân trong mô hình đều sử dụng lúa giống cấp xác nhận và đã quen dần với biện pháp kỹ thuật sạ thưa, sạ hàng; gieo sạ tập trung né rầy; xử lý giống bằng dung dịch muối và thuốc trước khi gieo nên hạn chế được rầy nâu và các loại côn trùng phá hoại khác.
Bà con đã áp dụng các biện pháp "3 giảm, 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm), bón phân cân đối, hợp lý; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách), hướng đến sản xuất theo 1 phải (phải sử dụng giống tốt, giống xác nhận), 5 giảm (giảm giống, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát trong thu hoạch).
Trần Đình Thế