Dân Việt

Trường vùng cao đốt lửa giữ ấm cho học sinh

Tùng Anh 17/12/2013 10:30 GMT+7
Ngày 16.12, nhiều khu vực ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhiệt độ đã xuống dưới 10 độ C nhưng học sinh vẫn tới trường với chân trần và quần áo phong phanh. Chỉ những vùng có tuyết, học sinh mới được nghỉ học...
10 độ C - vẫn tới trường

Lào Cai là tỉnh được thông báo nhiệt độ hạ xuống thấp nhất, nhiều vùng trên địa bàn đã xuất hiện tuyết rơi trong những ngày qua như huyện Sapa, xã Y Tý (huyện Bát Xát)… Tại điểm Trường Mầm non Cốc Mì số 1 (huyện Bát Xát), cô giáo Lê Thị Kim Dung – Hiệu trưởng cho biết: “Học sinh mấy ngày nay vẫn đến trường đều đặn vì nhiệt độ khu vực này được báo là mới ở mức hơn 10 độ C.

Sĩ số các lớp không có biến động nhiều. Sáng 16.12, trường cũng nhận được điện thoại từ Phòng GDĐT huyện chỉ đạo theo dõi nhiệt độ ngoài trời, nếu giảm xuống dưới 10 độ C thì cho các cháu nghỉ học”. Cô Dung cũng cho biết, để giữ ấm cho học sinh tại các điểm trường, giáo viên phải đốt lửa giữa lớp, quây học sinh thành vòng tròn xung quanh đống lửa để học hát và kể chuyện… Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, các bữa ăn được tăng cường tinh bột và chất đạm.

Trẻ vẫn đến Trường Mầm non Cốc Mì 1 (Bát Xát, Lào Cai) dù nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C (ảnh chụp ngày 15.12).
Trẻ vẫn đến Trường Mầm non Cốc Mì 1 (Bát Xát, Lào Cai) dù nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C (ảnh chụp ngày 15.12).

Tại Sapa mấy ngày tuyết rơi, nhiệt độ ngoài trời giảm xuống còn âm 2, âm 3 độ C, tất cả các trường học trên địa bàn huyện đã được nghỉ. Một giáo viên Trường Tiểu học Tả Phìn (xã Tả Phìn, Sapa) cho biết: “Học sinh đã được cho nghỉ học từ thứ 5 tuần trước, khi mà nhiệt độ ngoài trời bắt đầu giảm mạnh. Để đảm bảo đúng chương trình, ngay sau khi học sinh nghỉ học, lãnh đạo trường đã thông báo tới giáo viên kế hoạch học bù cho học sinh sau khi trở lại trường”.

Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi nhiệt độ ngoài trời ở mức 7 độ C, 493 học sinh của 14 điểm trường tại Trường Mầm non Lao Và Chải (xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, Hà Giang) đã được nghỉ học. Cô Đỗ Thị Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở vùng cao Hà Giang, không cứ vào mùa đông, nhiệt độ ngoài trời ở mức 10 độ C là chuyện thường xuyên. Học sinh vẫn phải đến trường trong giá rét. Tuy nhiên, sáng nay nhiệt độ ngoài trời xuống 7 độ C nên nhà trường cho các cháu nghỉ. Do thông báo chậm nên vẫn có một số học sinh đến trường, giáo viên phải cắt cử người đưa các cháu về nhà”.

Nỗ lực giữ ấm cho học sinh

Cô Ngọc cho biết thêm: “Trời lạnh, nhưng học sinh ở đây không có đủ quần áo, giày dép đến lớp. Đối với học sinh các lớp 5 tuổi thì còn đủ quần áo mặc, các lớp mầm non thì các bé hầu như toàn cởi truồng, chân đất đến trường, nhìn rất tội. Các cô vẫn phải thường xuyên đi vận động, quyên góp quần áo cũ và chăn màn giữ ấm cho các em ở lớp nhưng vẫn không đủ. Cứ đến mùa đông là mọi hoạt động dạy học đều bị co cụm lại. Chúng tôi chỉ duy trì việc trông nom các em trong lớp, đốt lửa sưởi ấm để đảm bảo sức khỏe chứ không triển khai được các hoạt động giáo dục vì thời tiết quá khắc nghiệt” – cô Ngọc nói.

Cũng theo cô Ngọc, mùa hè cũng như mùa đông, học sinh ở trường chỉ có thể duy trì được bữa ăn bán trú đủ chất tinh bột là may mắn lắm, vì học sinh hầu hết nhà rất nghèo, có khi cả năm cũng không đóng nổi 2kg gạo cho con, các cô phải san sẻ từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước mới đảm bảo được bữa ăn cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hữu Vinh (huyện Yên Minh, Hà Giang) thì cho biết: “Khổ nhất trong mùa đông là việc duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh có thể ở lại trường. Nếu thời tiết bình thường, các em có thể sáng đi, trưa về, chiều lại đi học nhưng trời rét như thế này, để các em đi về như thế rất nguy hiểm. Trong khi đó, vận động phụ huynh đóng tiền ăn trưa cho học sinh là vô cùng khó, vì 80% học sinh thuộc dân tộc thiểu số, nhà rất nghèo. Họ thà cho con ở nhà còn hơn đóng tiền ăn cho con đi học”. Hiện trường này cũng đã cho học sinh nghỉ học, nhưng theo cô Nhung, nếu thời tiết có trên 10 độ C thì việc học sinh phải đi lại nhiều lần đến trường vẫn rất khổ sở vì thiếu quần áo ấm.

Lãnh đạo Sở GDĐT Lào Cai - ông Nguyễn Anh Vinh cho biết: “Sở đã chủ trương hàng năm cho các trường trên địa bàn tỉnh là khi nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C, các trường chủ động cho học sinh nghỉ, có kế hoạch học bù để kịp chương trình, không để học sinh nào phải đến trường trong giá rét”.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, hiện rất nhiều học sinh các xã nghèo còn thiếu thốn trang phục ấm áp đến trường trong mùa đông, các trường chỉ có thể tự đi vận động quyên góp và trông chờ vào sự hỗ trợ của các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm...

Huyện Sa Pa (Lào Cai): Gia tăng người mắc bệnh vì giá rét

Ngày 16.12, tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Sapa, trong 4 ngày rét đậm, rét hại (từ 13 -16.12), thống kê sơ bộ, đã có gần 70 bệnh nhân đến khám và điều trị. Đa số bệnh nhân là các em nhỏ bị ho, sổ mũi. Ngoài ra, nhiều người già bị tăng huyết áp, hen phế quản, thoái hóa khớp, tim mạch… cũng phải nhập viện điều trị. Sở Y tế Lào Cai đã có công văn chỉ đạo các trung tâm y tế huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống các bệnh do rét gây ra (bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh, hạ thân nhiệt...); tăng cường công tác trực, giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn; rà soát, bổ sung trang - thiết bị, vật tư, hoá chất, Cloramin B sẵn sàng đáp ứng nhanh khi có dịch bệnh xảy ra.

Các bệnh viện tỉnh, huyện (đặc biệt là những huyện có khả năng thời tiết rét đậm, rét hại như Sapa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương) và Trung tâm Y tế TP. Lào Cai được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, oxy, hoá chất, vật tư y tế và các thiết bị sưởi ấm (lò sưởi, điều hoà nhiệt độ…) sẵn sàng tiếp nhận và điều trị kịp thời các ca bệnh. Người dân cần đề phòng các bệnh thường gặp khi thời tiết rét đậm như bệnh đường hô hấp, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh...

Tuấn Kiệt