Dân Việt

“Đặc sản” chọi trâu có vị háo hức, tự hào

Gia Tưởng (thực hiện) 22/02/2014 06:16 GMT+7
Năm 2014 là năm đầu tiên Báo NTNN phối hợp với huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tổ chức Hội chọi trâu 2014 trên địa bàn Hà Nội. Trước ngày khai hội, phóng viên NTNN có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu- Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ.
Hội chọi trâu 2014 tổ chức tại Phúc Thọ là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa đối với địa phương. Ảnh: Đàm Duy
Hội chọi trâu 2014 tổ chức tại Phúc Thọ là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa đối với địa phương. Ảnh: Đàm Duy

Xin ông cho biết về quá trình đón nhận sự phối hợp của Báo NTNN và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Phúc Thọ đối với Hội chọi trâu?


- Do có quan hệ từ trước nên Báo NTNN đã đặt vấn đề trực tiếp với cá nhân tôi về việc tổ chức Hội chọi trâu tại huyện Phúc Thọ. Do đây là sự kiện rất mới, lần đầu tiên tổ chức tại huyện nói riêng và trên địa bàn Hà Nội nên tôi đã suy nghĩ, cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra bàn trong Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy. Với nhận thức đúng đắn về lợi ích mà Hội chọi trâu mang lại cho huyện nhà, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất cao và coi đây là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời là cơ hội giới thiệu, quảng bá về mảnh đất và con người Phúc Thọ.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao UBND huyện phối hợp với Báo NTNN để xây dựng kế hoạch thực hiện. Nhận thức đây là hoạt động lớn, nhạy cảm, dự báo có nhiều yếu tố khó lường nên Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, định kỳ nghe UBND huyện báo cáo các nội dung như công tác phối hợp, quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện... để kịp thời có những chỉ đạo, định hướng kịp thời, phù hợp với mục tiêu là hội diễn ra sôi động, an toàn, ấn tượng, hài lòng tất cả các chủ trâu và khán giả.

Thưa ông, tham dự hội năm nay riêng huyện Phúc Thọ đã sắm được 21/32 trâu chọi có chất lượng. Đây là con số thể hiện sinh động công tác chỉ đạo và vận động của huyện nhà. Ông có thể cho biết bí quyết?

Bí thư huyện Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu.
Bí thư huyện Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu.

- Ngay sau khi thống nhất kế hoạch tổ chức và ý thức được tầm quan trọng của Hội chọi trâu, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thông báo rộng rãi đến các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có điều kiện tham gia. Thông qua nhiều hình thức, huyện vừa tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi, vừa kêu gọi, vận động để các tổ chức, cá nhân biết và tham gia ủng hộ Hội chọi trâu.

Ban tổ chức Hội chọi trâu năm 2014 được thành lập với cách làm việc nghiêm túc, khoa học, cùng với đó là cơ cấu giải thưởng hấp dẫn đã là động lực lớn để nhiều tổ chức, cá nhân hăng hái tham gia Hội.

Đây là lần đầu tiên Hội chọi trâu được tổ chức tại huyện Phúc Thọ, ông cảm nhận thế nào về sự quan tâm và mong đợi của nhân dân về Hội chọi trâu lần này?

- Hội chọi trâu lâu nay vẫn là “đặc sản” riêng của những địa phương có truyền thống như Đồ Sơn (Hải Phòng), Tuyên Quang… Hầu hết người nhân dân Phúc Thọ chỉ biết đến sự kiện này qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác…Chính vì vậy khi biết thông tin trên địa bàn huyện sắp tổ chức Hội chọi trâu, nhân dân tỏ ra rất háo hức xen lẫn niềm tự hào. Không khó để nhận thấy sự quan tâm của nhân dân được thể hiện qua từng câu chuyện thường ngày, qua các dịp tiếp xúc, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện, rồi qua sự chuẩn bị để chào đón ngày khai hội… Cả Phúc Thọ đang như sôi động thêm để chào đón sự kiện này.

Chúng tôi nhận thức rằng, Hội chọi trâu góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân địa phương; là cơ hội để quảng bá, giới thiệu các đặc sản, các sản phẩm làng nghề truyền thống đến du khách thập phương; góp phần tăng trưởng kinh tế, mang lại nguồn thu cho nhân dân địa phương, là một hoạt động có ý nghĩa hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hơn nữa, Phúc Thọ là vùng đất thuộc xứ Đoài xưa, gắn với những lễ hội truyền thống, những điệu múa cổ, các làn điệu dân ca, hội họa, gắn với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình những biểu tượng văn hóa độc đáo. Đối với người dân Phúc Thọ, hình ảnh trâu – tượng trưng cho Thần Điểm Tước còn mang ý nghĩa tín ngưỡng thiêng liêng, gắn với Lễ tam sinh tại đền thờ Hát Môn – nơi thờ 2 vị anh hùng Trưng Trắc – Trưng Nhị. Chính vì vậy, Hội chọi trâu thực sự là ngày hội lớn để nhân dân có cơ hội đắm mình trong không gian văn hóa, giải trí lành mạnh, mang đậm chất truyền thống.

Qua nắm bắt thông tin, qua trao đổi trực tiếp với người dân trong những lần đi công tác cơ sở, tôi nhận thấy nhân dân mong muốn Hội chọi trâu sẽ trở thành sự kiện được tổ chức thường niên, sớm trở thành hội đặc sắc của địa phương, là món ăn tinh thần của người dân khi mỗi độ xuân về. Tôi tin tưởng rằng Hội chọi trâu năm 2014 sẽ thành công tốt đẹp.

Ông đánh giá về sự đồng hành với Báo Nông Thôn Ngày Nay trong việc tổ chức Hội chọi trâu năm 2014? Đây có phải là cơ hội hợp tác giữa 2 đơn vị trong quá trình chung tay xây dựng nông thôn mới?

- Đến thời điểm này có thể khẳng định Báo NTNN đã rất chủ động, nghiêm túc trong công tác phối hợp với địa phương chúng tôi. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, là một tờ báo có uy tín và là tiếng nói của giai cấp nông dân Việt Nam, Báo có thế mạnh là thường xuyên được tiếp xúc, được tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các hoạt động của Báo gắn với đời sống nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới nên việc Báo phối hợp với huyện Phúc Thọ tổ chức Hội Chọi Trâu là một việc làm phù hợp với tôn chỉ, mục đích, là bước đi đúng đắn nên chắc chắn sẽ được lãnh đạo các cấp ghi nhận, đánh giá cao; được người dân đồng tình ủng hộ. Chúng tôi mong muốn Hội chọi trâu Báo NTNN - huyện Phúc Thọ sẽ trở thành hoạt động phối hợp thường niên, trở thành “đặc sản” chung của 2 đơn vị. Bên cạnh đó, huyện cũng mong muốn hai bên sẽ có thêm nhiều nội dung phối hợp trong thời gian tới nhằm phát huy được hiệu quả hoạt động và các các nguồn lực như tuyên truyền xây dựng NTM, các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa...

Xin cảm ơn ông!