Dân Việt

30 năm làm “giao liên” cho liệt sĩ

04/03/2011 19:08 GMT+7
(Dân Việt) - Suốt 30 năm nay, cựu chiến binh Đào Thiện Sính âm thầm tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước ghi chép thông tin trên bia mộ rồi gửi thư về quê hương họ báo tin. Hơn 5.000 lá thư như thế đã được ông gửi đi...

Từ chuyến đi tìm phần mộ anh trai...

Năm 1967, khi vừa tròn 20 tuổi, Đào Thiện Sính - chàng trai quê Ninh Giang, Hải Dương nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường, từ tuyến giữa Khu 4, Trung Lào đến đông bắc Campuchia.

img
Ông Sính bên bia mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Đức, không ngày sinh, năm sinh, quê quán tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhà Bè (TP.HCM).

Rời chiến trường, từ năm 1971 ông công tác tại Phòng Thông tin T.Ư Cục miền Nam, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ, miền Đông Campuchia...

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Sính về công tác trong ngành bưu điện ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho đến khi nghỉ hưu.

Ngay trong ngày đoàn tụ với gia đình vào năm 1975, ông nhận được tin buồn, anh trai ông là Đào Chí Nguyện đã hy sinh tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, nhưng không rõ phần mộ đang nằm ở đâu. Ngay trong năm ấy, ông Sính xin nghỉ phép, lặn lội đi tìm mộ anh.

Chuyến đi đầu tiên ấy không thành công nhưng hình ảnh những tấm bia mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ không có địa chỉ rõ ràng, và hình ảnh nhiều đồng đội đã ngã xuống trước mắt ông trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt đã nhiều đêm ám ảnh ông Sính, khiến ông không thể nào chợp mắt.

Vậy là những năm sau đó, ông dành trọn những kỳ nghỉ phép của mình để tìm tới các nghĩa trang liệt sĩ từ cấp xã đến cấp tỉnh ở Bình Phước và sang cả các tỉnh khác từ Quảng Bình trở vào. Những chuyến đi ấy, ông đều cầm theo danh sách đồng đội, những liệt sĩ là họ hàng, bạn bè, người cùng làng... để kết hợp tìm kiếm.

“Nhiệm vụ” lạ kỳ

Ông Sính tâm sự, mấy chục năm rồi, giấc ngủ của ông không yên... Đêm đêm, cứ hễ đặt lưng xuống giường là hình ảnh những bia mộ liệt sĩ ghi không rõ địa chỉ, những tên làng, tên huyện, thậm chí tên tỉnh bị viết tắt, viết sai… hiện ra, ám ảnh, thôi thúc ông. Rồi cảnh những thân nhân cùng cảnh ngộ như ông phải lần mò tìm kiếm mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang mà ông đã từng gặp cứ ùa về...

Chính xác là từ năm 1980, ông bắt đầu dành những ngày phép năm để chỉ làm đúng một việc: Đến các nghĩa trang liệt sĩ ghi chép lại thông tin trên bia mộ rồi viết thư báo tin cho thân nhân. Vốn có nhiều năm làm trong ngành bưu điện nên chỉ cần đọc địa chỉ ghi trên bia mộ là ông có thể biết địa chỉ nào ghi sai, phải tra cứu lại.

Gặp những trường hợp quá khó, ông gửi danh sách kèm thông tin các liệt sĩ nhờ Hội Cựu chiến binh và ngành lao động thương binh xã hội địa phương xác minh hộ trước khi gửi thư cho thân nhân.

Ông tự làm phong bì thư, cái nào cũng in đậm dòng “Thư báo tin phần mộ liệt sĩ” để được hưởng chính sách không thu tiền cước đối với loại thư này. Trong mỗi bức thư gửi cho gia đình liệt sĩ, ông Sính cẩn thận vẽ, chỉ dẫn đường đến nghĩa trang, giá cả tàu xe và căn dặn: “Có thể gọi cho tôi để được hướng dẫn thêm…”. Ông cũng chỉ dẫn thân nhân liệt sĩ đến gặp cán bộ chuyên trách LĐTBXH cấp xã, phường để nhận chế độ trợ cấp 50% chi phí tàu xe…

img
Viết thư - công việc thường nhật của ông Sính.

Ông Sính cẩn trọng giở sổ sách đếm, rồi trầm tư cho hay: Suốt 30 năm theo đuổi công việc này, ông đã tìm đến hơn 60 nghĩa trang từ cấp xã đến cấp tỉnh để thu thập thông tin của khoảng 5.000 liệt sĩ, gửi tổng cộng 5.000 bức thư cho thân nhân các anh em đồng đội.

Mừng thay, khoảng 60% thư ông gửi đi có phản hồi là từ thông tin của ông, gia đình đã tìm ra mộ liệt sĩ. Vốn là những người hoàn toàn xa lạ, nay ông và hàng ngàn thân nhân đã nhận nhau là người nhà qua “cầu nối” vô hình là những lá thư về những đồng đội đã ngã xuống.

Nằm vùng tại nghĩa trang

Năm nay tuy tuổi đã 64, ông Đào Thiện Sính vẫn còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh và hóm hỉnh. Ông bảo, vợ ông và con cháu ông thường đùa rằng ông là người “ở với liệt sĩ thích hơn ở nhà”. Từ khi về hưu (năm 2007) đến giờ, ông gần như chọn nghĩa trang làm nhà. Trong năm 2010, ông đã đi tổng cộng 12 chuyến, đến hơn 20 nghĩa trang. Tính ra, mỗi tháng ông chỉ có mặt ở nhà khoảng 5-10 ngày.

Tôi làm như vậy chỉ để tự giải thoát cho mình khỏi những ám ảnh, những thôi thúc của một nhiệm vụ mà dường như những đồng đội đã ngã xuống của tôi đã tin tưởng giao phó...

Như đã thành “kỹ năng”, khi nào bước vào nghĩa trang liệt sĩ, trên tay ông cũng sẵn sàng sổ, bút và kính lúp. Không sót một bia mộ nào, ông ghi chép toàn bộ thông tin có trên bia gồm: Tên, tuổi, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh, quê quán… Và kính lúp là để soi những bia mộ đã bị mờ, nhòe chữ. Một cách cẩn thận, tỉ mẩn và kiên trì, mỗi một chuyến đi, ông tự đặt ra cho mình “chỉ tiêu” phải thu thập thông tin khoảng 300 liệt sĩ.

Nhiều hôm trời nắng, nóng, mệt lắm rồi, nhưng chỉ cần có thân nhân nào đó gọi điện thoại báo tin đã nhận được thư, sẽ theo chỉ dẫn của ông đi tìm mộ liệt sĩ... là ông lại như được tiếp thêm sức mạnh, lại hăng hái làm việc.

Không có bất cứ nguồn hỗ trợ nào, nên để tiết kiệm chi phí ông Sính phải mang theo mùng mền, nồi niêu để ăn ngủ tại nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều người quản lý nghĩa trang đã quen mặt ông, thấy ông tới liền “bàn giao” phòng trực cho ông tùy nghi sử dụng. “Người ta thường sợ người chết nên ai nghe tôi kể ngủ ở nghĩa trang đều rùng mình, nhưng thực ra tôi có ngủ với ai xa lạ đâu, tôi ngủ với đồng đội mình mà” – ông vui vẻ kể.

Điều mà ông Sính vẫn còn đau đáu trong 30 năm đi tìm mộ liệt sĩ của mình là đây đó vẫn còn những cơ quan, những người thờ ơ với niềm mong mỏi đau đáu tìm lại được mộ liệt sĩ của hàng ngàn, hàng vạn những gia đình, dòng họ...

“Thực tế, không ai sâu sát, nắm rõ thông tin cũng như cách thức tra cứu danh sách, địa chỉ liệt sĩ hiệu quả hơn ngành LĐTBXH. Việc tìm mộ liệt sĩ sẽ dễ dàng hơn gấp nhiều lần nếu các Sở LĐTBXH gửi thông tin cho nhau, cùng tra cứu và báo tin cho thân nhân ở khắp mọi miền đất nước…” – ông Sính cho biết.

Thực tế, có nơi cán bộ chuyên trách LĐTBXH cấp xã, cấp huyện trả lời là không tìm ra danh sách liệt sĩ tại các nghĩa trang ở địa bàn đó. Có nơi quản lý nghĩa trang đuổi không cho ông vào làm việc. Thậm chí nhiều cán bộ khi được ông góp ý thì trả lời “không phải việc của tôi, cũng chẳng phải việc của ông”…

“Xin đừng thờ ơ với liệt sĩ và thân nhân của họ, đừng làm khó với tôi, hãy tạo điều kiện cho tôi được làm tròn ước nguyện của mình” - ông Sính bày tỏ như vậy khi chia tay chúng tôi.

Đã sắp bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Đào Thiện Sính vẫn nguyện dành toàn bộ số lương hưu, tiền bảo hiểm nhân thọ (trên 20 triệu đồng) sắp đến hạn nhận để tiếp tục công việc này cho đến hết đời. Trong tuần tới ông sẽ lại khăn gói lên đường “làm nhiệm vụ” ở Kiên Giang và An Giang...