Với những thế hệ khán giả trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, việc lắng nghe những ca khúc cách mạng ở tháng năm này, chắc chắn sẽ khó mang đến cho họ những cảm xúc như lớp cha chú mình, nhưng chương trình “Giai điệu tự hào” với chủ đề “Rừng cây, đời người” phát sóng tối chủ nhật 30.3 trên kênh VTV1 đã làm được điều đó.
Ca sĩ Tùng Dương với ca khúc “Vết chân tròn trên cát”
“Tình ca tuổi trẻ”, “Hoàng hôn màu lá”, “Tạm biệt chim én”, “Vết chân tròn”, “Một đời người, một rừng cây”, “Ngày mai anh lên đường”, “Bài ca không quên”, 7 ca khúc đã làm nên một buổi tối trọn vẹn với đủ các cung bậc cảm xúc cho các khán giả truyền hình.
Những ca khúc chính trị được viết để động viên thanh niên xung phong, học sinh, sinh viên lên đường đi xây dựng và bảo vệ đất nước, những người lính lên đường, những người thương binh về lại với cuộc sống thời hậu chiến… đã là một phần của lịch sử đất nước. Qua bản phối mới của nhạc sĩ Quốc Trung và những thước phim tư liệu ghi lại thời kỳ thập niên 1980 sôi nổi “em ở nông trường em ra biên giới” khán giả đã được sống lại với rất nhiều kỷ niệm.
Có thể nói 3 phần trình diễn gây nhiều ấn tượng nhất của “Giai điệu tự hào” số 3 chính là của Tùng Dương với chùm ca khúc “Tạm biệt chim én xưa” – “Vết chân tròn trên cát”, Đồng Lan với “Ngày mai anh lên đường” và ca sĩ Cẩm Vân với “Bài ca không quên”.
Ca sĩ Cẩm Vân với ca khúc “Bài ca không quên”
Đồng Lan đã mang cái tung tẩy, thơ ngây và có chút nũng nịu của một người tình trẻ tuổi vào ca khúc “Ngày mai anh lên đường” khiến cho bài hát đến gần hơn với khán giả hôm nay.
Tùng Dương với sức cuốn hút trong giọng hát và có thêm phần trợ giúp của nhạc sĩ Trần Tiến đã khiến cả trường quay bay bổng nhẹ nhàng với “Tạm biệt chim én xưa” và xúc động với “Vết chân tròn trên cát”. Tuy nhiên, phần sắp đặt sân khấu của đạo diễn Việt Tú và họa sĩ Đinh Công Đạt có lẽ chính là điểm trừ của tiết mục này. Hàng loạt chiếc xe lăn bằng inox sáng quắc, những chiếc nạng gỗ và chân giả treo ngổn ngang trên đầu ca sĩ và người thương binh đứng trên sân khấu đã không mang lại hiệu ứng tốt về mặt thị giác cho khán giả.
Rất nhiều ý kiến trong 2 hội đồng khách mời bình luận đã chỉ ra điều này, nó cho thấy sự dụng công để minh họa cho ca khúc không phải trường hợp nào cũng mang lại hiệu quả. Có lẽ với “Vết chân tròn trên cát”, chỉ cần một phông nền giản dị, với một cây đàn guitar và một chiếc nạng gỗ mộc mạc là đủ.
Tuy nhiên, phần sắp đặt sân khấu của ca khúc “Bài ca không quên” đã mang đến một hiệu ứng vô cùng khác. Hình ảnh 30 bà mẹ từ Thuận Thành (Bắc Ninh) mặc áo cánh bằng phin trắng, chiếc nón lá quàng sau vai, trên tay là di ảnh của các liệt sĩ đã như vết dao cứa vào trái tim khán giả. Trong tiếng hát dày ấm của ca sĩ Cẩm Vân: “Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên… Có một bài ca không bao giờ quên, là mẹ dõi bước con bạc tóc thời gian…” cảm xúc của khán giả đã đạt tới đỉnh, nhiều người không cẩm nổi nước mắt.
“Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thực sự là một cái kết quá đẹp cho câu chuyện kể của “Giai điệu tự hào” số 3. Nó nhắc nhở khán giả nhớ rằng những ký ức chiến tranh vẫn chưa bao giờ là cũ, để càng thêm yêu và thương đất nước mình bao nhiêu năm qua chưa một phút bình yên. Những người đã cống hiến tuổi xuân, máu xương và cả cuộc đời cho sự bình yên của đất nước vẫn còn đó, những mất mát thiệt thòi của họ, vẫn còn là một câu hỏi nhức nhối khôn nguôi với các thế hệ tiếp sau.
Phần bình luận của hai hội đồng khách mời già và trẻ của chương trình “Giai điệu tự hào” lần này đã thực sự “hoạt” hơn với màn tung hứng của nhạc sĩ Trần Tiến và hoa hậu Thu Thủy. Sau lần bị “vạ miệng” khi ngồi ghế giám khảo “Bước nhảy hoàn vũ” năm nào, nhạc sĩ Trần Tiến đã lấy lại phong độ bằng những câu đùa dí dỏm.
Với chủ đề dòng ca khúc chính trị, “Giai điệu tự hào” thực sự đã khiến khán giả phải nghĩ nhiều hơn, một cách nghiêm túc về những gì đã xảy ra với đất nước, với lịch sử dân tộc, về chiến tranh, hòa bình và ứng xử của những người trẻ hôm nay.