Tàu mẹ giúp tàu con vươn khơi
Liên kết để vươn khơi và bám biển sẽ giúp ngư dân vượt qua bão giá. |
Ông Lê Kế Thương - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ đại dương Khánh Hòa, khẳng định: Để giải được bài toán giá cả hiện nay chỉ còn cách nhân rộng mô hình tàu mẹ - tàu con của 2 ngư đội Trường Sa.
Đây là mô hình được hình thành bởi sự liên kết của “nhiều nhà” gồm: Công ty TNHH MTV 128 (gọi tắt là Công ty 128), ngư dân, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam và Công ty TNHH Hải Vương. Đội hình ban đầu gồm 8 tàu con đánh bắt xa bờ của ngư dân, 2 tàu mẹ của Công ty 128, chia làm 2 ngư đội.
Tàu mẹ có nhiệm vụ cung cấp dầu, nhu yếu phẩm cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời tiêu thụ cá cho tàu con với giá bằng giá đất liền nếu tàu con có nhu cầu bán. Hiện 8 tàu con đã bán được chuyến hàng đầu tiên thành công, mỗi tàu thu lãi từ 40 triệu đồng trở lên. Hai ngư đội này vẫn tiếp tục đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa, thực hiện cam kết bám biển 9-10 tháng/năm.
Sáng 3.3, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, chia sẻ: “Với sự hợp tác chặt chẽ giữa “nhiều nhà”, sự tiếp sức từ nhà nước vì mục tiêu chính trị-xã hội, tôi tin mô hình này sẽ thành công, giúp ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, bất chấp giá cả tăng cao”. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ra ở Quảng Ngãi, với 2 ngư đội chuyên nghề câu ở vùng thềm lục địa, cách bờ chừng 200 hải lý.
Cần hỗ trợ để nhân rộng
Ông Võ Thiên Lăng
Ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết: “Dù 2 ngư đội Trường Sa đã hình thành nhưng về mặt thủ tục vẫn là một liên kết tự phát, tự nguyện của ngư dân, chưa có văn bản chính thức nên khi thực hiện vẫn còn những chệch choạc ban đầu.
Khi thành lập, các bên đã hứa với ngư dân rằng, mỗi chuyến xuất phát, mỗi tàu sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng nhưng đến nay do những trục trặc không đáng có mà ngư dân vẫn chưa nhận được tiền…
Dự kiến trong tháng 3, chúng tôi sẽ tổ chức nhóm họp lại các bên để rút kinh nghiệm các hình thức hợp tác, phương hướng thực hiện tiến tới nhân rộng mô hình này trong dân. Nhưng, cần nhất vẫn là sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và nhiều cơ quan liên quan thì mô hình này mới có thể thành công”.
Chia sẻ với ý kiến này, ông Võ Thiên Lăng cho biết: Theo Quyết định số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa thì ngư dân sẽ bắt đầu được hỗ trợ từ đầu tháng 1.2011. Theo đó, tùy theo từng nhóm công suất tàu mà ngư dân sẽ được hỗ trợ 4 chuyến biển/năm với các mức khác nhau.
Đây là một quyết định tiến bộ so với hình thức hỗ trợ xăng dầu trước đây vì sẽ khuyến khích ngư dân vươn khơi, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa tránh khai thác suy kiệt nguồn lợi ven bờ và tránh những tiêu cực như đã từng xảy ra.
Trong thời kỳ phải gồng mình chống chọi với bão giá như hiện nay, có thể nói quyết định 48 cộng với việc nhân rộng mô hình liên kết sẽ như một cứu cánh giúp ngư dân tiếp tục vượt khó bám biển. Tuy nhiên, chẳng hiểu vướng ở khâu nào mà đến nay trên địa bàn cả nước vẫn chưa thấy triển khai thực hiện quyết định này.
Mai Khuê