Dân Việt

Đố thu đúng, thu đủ!

Đào Lê (Thế giới Tiếp thị) 20/04/2014 12:51 GMT+7
Trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4, các địa phương ở TP.HCM gấp rút thống kê số lượng xe máy ở từng khu phố – một bước chuẩn bị để thu phí bảo trì đường bộ. Nhưng việc thu liệu có ổn?
Cầm tờ khai số lượng xe máy cũng như dung tích của từng chiếc trong nhà, Lê Trung Thanh, ngụ đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM cảnh báo, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng đóng oan.

Sẽ xảy ra oan sai

“Ở TP.HCM rất nhiều người một mình nhưng sử dụng đến hai ba xe gắn máy (như một thú chơi – PV). Nếu hành thu theo đầu xe thì rõ ràng người đó phải đóng cho tất cả các xe của mình, dù thực tế mỗi lần họ chỉ sử dụng một xe. Làm vậy coi sao được”, ông Thanh nói.

Những loại xe kiểng này liệu có phải đóng phí giao thông đường bộ hàng năm? Ảnh: TL
Những loại xe kiểng này liệu có phải đóng phí giao thông đường bộ hàng năm? Ảnh: TL

Nguyễn Xuân Duy, ở đường Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình lại cho rằng, thu phí xe máy ở thời điểm này là cưỡng ép. Hiện ông muốn bán xe máy đi để khỏi phải đóng phí, chuyển qua đi xe buýt là chuyện không thể.

“Ai cũng biết phương tiện giao thông công cộng còn tồi tệ, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ở đây tôi kiến nghị, Nhà nước chỉ nên thu phí khi hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện, để người dân có quyền lựa chọn sử dụng phương tiện họ thấy hợp lý”, ông Duy nói.

Bình luận về quy định trên, thạc sĩ kinh tế Nguyễn Minh Trung, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhấn mạnh: xe máy ở góc độ giao thông, nó là phương tiện giao thông, nhưng nhìn từ góc độ kinh tế, nó là công cụ sản xuất, nó đưa con người ta đến nơi làm việc và tiết kiệm được một phần thời gian, tức là ý nghĩa kinh tế của chiếc xe là vấn đề thời gian. Từ đó, nếu tăng phí lên nghĩa là đánh vào sản xuất, cũng chính là đánh vào đời sống nhân dân. Tăng phí làm cho giá cả tăng và cũng sẽ dẫn tới lạm phát.

Hơn nữa, xe máy sử dụng đường bộ phải đóng phí là hiển nhiên. Thế nhưng ở đây, nếu hiểu quá trình của việc thu phí này mới thấy là người dân phải đóng hai lần. “Trước đây, phí đường bộ đóng qua xăng, rồi khi Nhà nước muốn xây dựng riêng quỹ Bảo trì đường bộ thì rút lại không đóng qua xăng nữa. Lập tức khoản phí ấy trở thành phí môi trường”, thạc sĩ Trung nói.

Coi chừng… lọt sổ!

Thông tư 197/2012/TT-BTC quy định, UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn của mình. Theo đó, các UBND trên chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn, ấp) hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô, xe máy của chủ phương tiện trên địa bàn.

Trong quá trình thống kê, bà Lan, một tổ phó dân phố, thuộc phường 14, quận Phú Nhuận, TP.HCM, đã gặp quá nhiều áp lực. Cứ đến nhà người dân nào yêu cầu kê khai số lượng xe, dung tích xe máy, bà đều gặp khó vì họ không hợp tác. Nhiều nhà bà thấy để đến bốn xe gắn máy trong sân, nhưng họ chỉ khai một chiếc. Thắc mắc liền bị phản ứng: xe của nhà tôi, tôi biết. Bà là người ngoài sao biết!

Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân lo ngại: tưởng chừng sẽ thu đủ và thu đúng khi người thu tiền được phân cấp về tận khu phố, nhưng xem ra khó khả thi. “Ở các phường có người nhập cư, ở trọ đông, tổ trưởng dân phố khó nắm hết các gia đình có bao nhiêu xe gắn máy; nếu thu không hết, tất nảy sinh tâm lý chây ì, trốn phí. Đến nay lại chưa có chế tài đối với người không chịu đóng.

Hơn nữa, sau khi nộp phí, người dân được cấp một giấy xác nhận nhưng loại giấy này không bắt buộc mang theo khi chạy xe. Cơ quan chức năng khó thể xác minh người đó nộp phí hay chưa. Như vậy làm sao thu đúng, thu đủ cho được”, ông Sơn lo lắng.

Vả lại, theo ông Sơn, giao về cho các tổ trưởng dân phố mà không có tiền bồi dưỡng liệu họ có “hết mình phục vụ” (?). Nếu họ không làm đúng nguyên tắc cũng không thể xử lý, bởi đây không phải là nhiệm vụ chính của họ.

Ông Trung nói thêm: đố thu đúng, thu đủ được! Với xe máy không chính chủ, xe ngoại tỉnh chỉ có thể kêu gọi tự giác. Mà tự giác thì không công bằng, cần phải hoàn thiện cách hành thu để có sự đồng thuận.