Dân Việt

Vì sao bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thoát tội chủ mưu vứt xác?

Pháp luật Việt Nam 19/03/2014 19:36 GMT+7
Vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chết khách hàng rồi ném xác phi tang gây rúng động dư luận lại tiếp tục “dậy sóng”, khi bản cáo trạng mới ban hành cho rằng chủ mưu ném xác nạn nhân là bảo vệ Đào Quang Khánh.
Trả giá cho lời buột miệng

Theo cáo trạng số 110/ VKS-P1A ngày 18.2.2014 của VKSND TP Hà Nội, Bị can Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” và tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Bảo vệ Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và tội “Trộm cắp tài sản”.

Đối với tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả hài cốt”, CQĐT xác định Khánh là kẻ chủ mưu. Việc quy kết này được lý giải trong cáo trạng như sau: Sau khi Tường chở xác nạn nhân đến cổng Bệnh viện Bưu Điện cơ sở 1 (49 Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội), một phần vì thấy quá đông người qua lại, một phần vì thấy xác chị Lê Thị Thanh Huyền đã bị cứng nên Tường không dám đưa xác vào trong bệnh viện.

img

Trong lúc đang chần chừ, lưỡng lự thì chính Khánh đã nói với Tường rằng, không đưa xác nạn nhân vào bệnh viện nữa mà đem ném xuống sông. Tường đã đồng ý và lái xe ôtô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy của chị Huyền chở theo vợ bác sĩ Tường đi sau.

"Tường là một bác sĩ có trình độ chuyên môn, trình độ học vấn cao, đã hơn 40 năm tuổi đời, kinh nghiệm sống, sự hiểu biết xã hội… hơn hẳn Khánh mới học hết lớp 6. Do vậy, khó xảy ra khả năng Tường để Khánh chủ mưu rồi thực hiện theo lời xúi giục của Khánh" - một luật sư nhận định.

Tường chở xác nạn nhân theo cung đường Trần Khát Chân – Kim Ngưu – Lạc Trung – Minh Khai – cầu Vĩnh Tuy. Đến đường Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) thì Khánh vượt lên ngang với xe ôtô của Tường, ra hiệu dừng xe lại, bỏ lại xe máy và túi xách của nạn nhân ở vỉa hè rồi cùng vợ Tường lên xe ôtô.

Trong thời gian ngồi trên xe, người vợ đã nhiều lần khuyên can không được vứt xác chị Huyền nhưng Tường không nghe, tiếp tục lái xe ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì, đến gần cột đèn số 44 thì dừng lại. Thấy đường vắng, không có người và xe qua lại, Tường và Khánh đã khiêng xác nạn nhân ra khỏi xe ôtô, đi qua dải phân cách giữa ô tô và xe máy, bê xác qua lan can cầu thả xuống sông Hồng.

Chính chi tiết buột miệng gợi ý Tường không đem xác chị Huyền vào bệnh viện mà ném xuống sông đã khiến Khánh bị xác định là chủ mưu vụ án.

Không phù hợp với tâm lý tội phạm?

Đánh giá việc cáo trạng cho rằng Khánh là kẻ chủ mưu, luật sư Đặng Xuân Cường, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng kết luận này không phù hợp với tâm lý tội phạm.

Đặt trong mối quan hệ nhân quả, hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh là "nhân", còn hành vi ném xác nạn nhân là "quả". Khánh chỉ là nhân viên bảo vệ của Thẩm mỹ viện Cát Tường, không có chuyên môn nên không thể tham gia vào việc khám chữa bệnh.

Trong khi, Tường là một bác sĩ có trình độ chuyên môn, trình độ học vấn cao, đã hơn 40 năm tuổi đời, kinh nghiệm sống, sự hiểu biết xã hội… hơn hẳn Khánh mới học hết lớp 6. Do vậy, khó xảy ra khả năng Tường để Khánh chủ mưu rồi thực hiện theo lời xúi giục của Khánh.

“Khó có thể chấp nhận được một bản kết luận điều tra, một bản cáo trạng hay một bản án cho rằng anh bảo vệ là người chủ mưu trong vụ án này”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Một ý kiến khác lại cho rằng cơ quan tố tụng đã truy tố đúng người, đúng tội, đúng vai trò của Khánh. Việc vô tình buột miệng nói trong nhiều trường hợp sẽ trở thành kẻ chủ mưu, xúi giục người khác.

“Lấy ví dụ, một đám thanh niên đang hung hăng vì mâu thuẫn nhau, bỗng có đối tượng hô “đánh chết nó đi” khiến cả bọn nhảy vào đánh, chém thì đối tượng hô đó sẽ bị truy tố là kẻ cầm đầu, nếu đồng bọn đáng chỉ bị 3 năm thì kẻ cầm đầu phải chịu tới 7 năm.

Thế nhưng, khi điều tra không chỉ căn cứ vào lời khai các bên mà còn phải căn cứ vào chứng cứ khác để xác định sự thật khách quan vụ án, xem ai là chủ mưu”, luật sư Nguyễn Đình Khỏe, Đoàn luật sư Hà Nội, phân tích.

Dự kiến, vụ án sẽ được TAND TP.Hà Nội đưa ra xử trong tháng 4.2014 tới đây. Theo quy định, sau khi nhận hồ sơ do VKS chuyển sang, tòa án sẽ nghiên cứu hồ sơ, nếu nhận thấy việc đánh giá vai trò của các bị can tham gia vụ án là chưa thỏa đáng, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thể xem xét để trả lại hồ sơ cho VKS.

VKS lại yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung. Trong trường hợp VKS vẫn giữ nguyên nội dung cáo trạng thì nhiệm vụ làm rõ các uẩn khúc là thuộc về HĐXX.

Về phía gia đình bị can, nếu nhận thấy kết luận điều tra, cáo trạng không khách quan, có thể trực tiếp hoặc nhờ các luật sư viết đơn đề nghị xem xét lại. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (người sẽ bào chữa cho bị cáo Khánh), gia đình và luật sư không làm đơn khiếu nại mà sẽ làm rõ mọi thắc mắc tại phiên tòa sắp tới. Với nhiều chứng cứ đã có, luật sư sẽ làm rõ vai trò của thân chủ mình trong việc ném xác phi tang.