Dân Việt

“Thổi hồn” thể thao nông thôn

Ngô Sơn - Hùng Phiên 21/03/2014 09:25 GMT+7
Tại Bình Định - Phú Yên, không dễ ăn khi làm dịch vụ thể thao ở thôn quê, thế nhưng một số bà con ở đây đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, đáp ứng phần nào cơn khát thể thao của người dân...
Năm 2009, Trung tâm VHTT và dịch vụ du lịch Hà Thanh (thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng sân bóng đá mini đầu tiên của huyện Tuy Phước và đây được xem như một bước khởi đầu của việc tư nhân đầu tư cho lĩnh vực thể dục- thể thao. Lịch “đăng ký thi đấu dày đặc” ở sân bóng đá này nói lên hiệu quả đầu tư mang lại.

Thanh niên mê say trên sân bóng đá mini tại thôn Trung Tín 2 (Tuy Phước, Bình Định).
Thanh niên mê say trên sân bóng đá mini tại thôn Trung Tín 2 (Tuy Phước, Bình Định).

Đầu năm 2013, bà Ngô Thị Ban đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng một sân bóng đá mini (5 người/đội), mặt sân làm bằng cỏ nhân tạo và các công trình phụ trợ tại thôn Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước. Bà cho biết do địa phương chưa có sân bóng đá nào nên bà đầu tư sân phục vụ nhu cầu bóng đá của mọi người và từ đó tạo thu nhập cho gia đình.

Tại sân bóng đá này, mỗi ngày có 4-5 đội bóng đăng ký đá. Anh Phan Ngọc Tân, một thanh niên thường xuyên đến chơi bóng tại đây, nói: “Tôi rất thích bóng đá, nhưng trước đây vì không có sân chơi ổn định nên có mùa chơi được, có mùa không. Từ ngày có sân bóng đá này, tôi thường xuyên đến chơi bóng, tôi thấy sân bóng này rất tốt!”.

Cũng trong năm 2013, anh Đặng Minh Toàn (32 tuổi) đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng một sân bóng đá mini tại xóm 5, thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn (Tuy Phước). “Có nhiều thanh thiếu niên đến đây chơi bóng. Tùy từng nhóm bạn, họ có thể chơi vào buổi sáng, chiều hoặc tối. Tôi còn ủng hộ miễn phí cho các giải bóng đá do xã tổ chức”- anh Toàn cho biết.

Tương tự, tháng 8.2012, ông Hoàng Văn Thành - Chủ DNTN Thành Xuân Hoàn Thương đã đổ gần 2 tỷ đồng để thuê đất xây dựng 3 sân bóng đá mini. “Tốc độ hoàn vốn chậm lắm. Dù khó khăn, tôi vẫn quyết tâm làm” - ông Thành nói.

Theo Phòng VHTT Tuy Phước, đến nay toàn huyện đã có 10 sân bóng đá mini được tư nhân bỏ tiền đầu tư. Trong đó, thị trấn Tuy Phước 3 sân; thị trấn Diêu Trì và xã Phước Thắng có 2 sân; các xã đã có 1 sân là Phước Hưng, Phước Sơn và Phước Lộc.

Ông Đặng Hiếu Hân - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện cho hay: “Cùng với phục vụ tốt cho nhu cầu đá bóng của người dân, các sân bóng đá mini còn góp phần kích thích phát triển phong trào đá bóng tại huyện. Ngoài việc rèn luyện thể lực, nhiều nhân tố thể thao từ đây đang được các đội bóng “để mắt” cho các giải đấu”.

Chủ trương xã hội hóa TDTT ở Tuy Phước được xác định trong Quy hoạch Phát triển sự nghiệp TDTT huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo quy hoạch này, ngân sách các xã, thị trấn dự kiến đấu tư từ 2009 đến 2020 là 20,8 tỷ đồng dành cho tất cả các môn thể thao. Nếu tính bình quân mỗi sân bóng đá mini được đầu tư khoảng 500 triệu đồng thì 10 sân đã xây dựng có tổng vốn lên đến 5 tỷ đồng (riêng đối với môn bóng đá).

Con số đó cho thấy hết ý nghĩa của xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn. Và như vậy, bài toán cho việc xây sân bóng đá cấp thôn xem như có lời giải nếu như tạo điều kiện thuận lợi (về thủ tục, hướng dẫn nghiệp vụ) cho tư nhân đầu tư vào xây dựng sân bóng đá.