Dân Việt

Thủ tướng Anh chưa thuộc lịch sử

04/10/2012 06:22 GMT+7
(Dân Việt) - “Tôi cần phải ôn tập lịch sử nhiều hơn”, đó là lời thú nhận của Thủ tướng Anh David Cameron, khi tham dự chương trình Trò chuyện đêm khuya ở New York (Mỹ).

Nhân dịp dự họp Đại hội đồng LHQ, ông Cameron nhận lời làm khách mời của “sô” David Letterman's Late Show. Chương trình khởi đầu êm xuôi: ban nhạc cử quốc thiều Anh và ông Cameron bước vào sàn quay, làn hơi lạnh được bơm vào phim trường để giả cảnh London trong sương.

Dân Anh quên sử Anh

Nhưng ngay sau vài câu chào hỏi xã giao, “vua đối thoại” Letterman nổi tiếng thông minh nhưng “chua ngoa” liền giăng các câu hỏi “bẫy”, để “kiểm tra miệng” ông Cameron về lịch sử Anh, khiến vị khách mời ngồi cựa quậy trên ghế chỉ vì không trả lời được những câu hỏi kiến thức cơ bản.

img
Thủ tướng Anh David Cameron trong David Letterman's Late Show

Từng tốt nghiệp Trường Eton nổi tiếng rồi Đại học Oxford và từng tự nhận là người mê môn lịch sử, nhưng khi được hỏi ai là nhạc sĩ sáng tác Rule Britania, ông Cameron đáp sai là Edward Elgar: “Ông kiểm tra tôi đấy phỏng? Elgar, tôi chọn đáp án này”. Nhưng Letterman đưa đáp án đúng: Thomas Arne soạn nhạc, phổ thơ của James Thomson.

Ông Cameron còn bị hỏi có bao nhiêu người sống ở Vương quốc Anh. Ông nói có 60 triệu người (câu trả lời đúng là 62,6 triệu, theo Ngân hàng Thế giới năm 2011). Ông cũng không biết dịch “Magna Carta” từ tiếng La tinh sang tiếng Anh (Great Charter): “Đấy, ông lại kiểm tra tôi”.

Nhưng ông trả lời chính xác là văn bản này được ký năm 1215 tại Surrey. Ông bảo chỉ còn một bản sao tại trụ sở Quốc hội Anh (thực chất còn nhiều bản sao). Letterman nói: “Sẽ tốt hơn nếu ông biết Magna Carta là Great Charter” và ông Cameron đáp: “Vâng, ông biết tôi thế nào rồi đó. Tối nay tôi phải kết thúc sự nghiệp tại sô của ông”.

Ông Cameron còn được hỏi có đạt uy tín cao ở Anh hay không. Ông đáp “Không được tín nhiệm nhiều”, và được hỏi những chuyện khác như cuộc chiến ở Syria, chuyện người Anh phải thắt lưng buộc bụng và cả chuyện Larry, chú mèo sống ở phủ Thủ tướng Anh: “Hắn săn chuột ghê lắm”.

Sau khi kết thúc chương trình, ông Cameron phải thừa nhận: “Tôi nghiện lịch sử nhưng xin lỗi, tôi đã không học thuộc bài”. Khi được yêu cầu “tự chấm điểm” ở cuộc trò chuyện này, ông nói thêm: “Tôi nghĩ khi về nhà giúp con làm bài tập ở nhà, tôi cũng phải ngồi xuống tự làm vài bài tập cho mình”.

“Chuyện ai người nấy làm”

Thị trưởng London Boris Johnson đang được xem là người nuôi mộng chiếm ghế Chủ tịch Đảng Bảo thủ của ông Cameron. Sau thành công của Olympic London 2012, uy tín Johnson lên cao hơn cả đối thủ. Sau khi dự họp Đại hội đồng LHQ, ông Cameron thăm Brazil chính thức hai ngày nhằm tìm cách nâng tầm kinh tế Anh, nhưng giới báo chí Brazil chỉ hỏi Cameron về Johnson, người làm nức lòng hàng triệu dân Brazil khi trao lá cờ Olympic cho đại diện Olympic Rio de Janeiro 2016 là Thị trưởng Eduardo Paes.

img
Ông Cameron đi thăm khu ổ chuột ở Rio de Janeiro

Khi được báo Folha de Sao Paolo hỏi: “Chúng tôi thấy Thị trưởng Boris Johnson cũng thuộc đảng ông lại có uy tín hơn ông, tới độ có tin đồn ông ấy có thể là ứng cử viên của Đảng Bảo thủ ở kỳ tổng tuyển cử sắp tới. Ông có cảm thấy bị đe dọa?”. Cameron cười khẳng định ông không hề bị sức ép: “Chẳng sao cả. Boris luôn là bạn của tôi và là một thị trưởng hạng nhất. Chúng tôi may mắn có nhiều tay to trong đảng, nhưng Boris còn khối việc phải làm ở vai trò thị trưởng London, tôi cũng thế ở cương vị thủ tướng”.

Trong chuyến thăm Brazil, ông Cameron tới dự lễ khánh thành một xí nghiệp sản xuất xe đào đất ở Sao Paolo. Thống đốc Geraldo Alckmin của bang Sao Paolo đã tặng ông vé mời dự khán trận khai mạc World Cup bóng đá 2014 tại Brazil. Ông Cameron nói đùa: “Bóng đá là môn thể thao do người Anh tạo ra, nhưng trở nên hoàn hảo ở Brazil”.

Ông Cameron cũng có cuộc gặp nữ Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil. Đứng cạnh vị thượng khách đang chủ trương người Anh phải thắt lưng buộc bụng, bà đề cao tầm quan trọng của việc kích hoạt nền kinh tế đang trong cơn suy thoái.

Bà cho biết có ấn tượng tốt với chuyến thăm Brazil thành công tốt đẹp của ông Cameron, người đã đi thăm 3 thành phố lớn là Rio de Janeiro, Sao Paolo và Brasilia. Đáp lễ, ông Cameron nói Anh ủng hộ Brazil trong cuộc vận động một ghế thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Ông cũng dự lễ ký thỏa thuận khuyến khích sản xuất các phim hợp tác giữa hai nước, ví dụ phim điệp viên James Bond 007 “Moonraker” đã quay ở Rio. Ông tự giới thiệu là fan của phim 007.

“Bảo ông ấy gọi lại sau”

Trong lúc ông Cameron ở Brazil, bạn học cũ Charlie Brooks kể chuyện xấu về ông: trong một kỳ nghỉ ở nhà nghỉ của chính phủ Anh, ông Cameron đang bận chơi một trận tennis, nên từ chối nghe cuộc điện thoại do Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đến. Lúc đó Brooks thắng set đầu, ông Cameron gỡ hòa ở set 2 rồi có người đến báo cú phone của ông Obama. Nhưng ông Cameron nói: “Chúng tôi còn đủ thời gian cho set 3, hãy nói ông ấy gọi lại sau”. Tiếp đó ông Cameron thua set này.

Ông Cameron kịch liệt phản đối lời kể này, nói ông cùng Brooks chỉ chơi tennis có mỗi một lần ở nhà nghỉ, trong khi các quan chức phủ Thủ tướng nói không hề có cú phone nào của ông Obama trong kỳ nghỉ cuối tuần ấy. Họ khẳng định các quan chức luôn sắp xếp trước những cuộc liên lạc giữa hai ông Cameron và Obama. Thậm chí Nhà Trắng gọi báo trước 15 phút, sau đó ông Obama mới “dựng” ông Cameron dậy lúc khuya để thông báo đã trừ khử được trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Lời kể của Brooks là một chuyện nhạy cảm, từ khi mối quan hệ giữa tay luyện ngựa này với ông Cameron bị cắt đứt. Charlie khẳng định là bạn thân của ông Cameron từ khi hai người cùng học Trường Eton, và hy vọng tình bạn vẫn nối dài. Charlie kể thời đi học, ông Cameron là “ anh chàng mập, to mồm”.

Theo Thế giới & Hội nhập