Xứ hoa đào
Hoa đào Đồng Bản xã Kim Thành huyện
Yên Thành (Nghệ An) nổi tiếng từ bao đời nay, bởi thế dáng, sắc hoa đẹp một cách tự nhiên mang nét độc đáo
riêng.
Trước đây, người dân trồng manh mún nhỏ lẻ, nhưng từ khoảng 5 năm trở lại đây, bà con đã biết quy hoạch thành cây hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Thành xóm trưởng Đồng Bản cho biết, Đồng Bản có 140 hộ dân thì có 130 hộ trồng đào. Nhà nào trồng ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều lên tới vài ngàn gốc (hơn 2ha). Cây đào đặc biệt dễ trồng, chẳng cần phải chăm sóc là mấy. Nếu như ươm hạt thì sau 2 năm, cây sẽ ra hoa và thu hoạch được... “Điều đáng mừng là hoa đào Đồng Bản chúng tôi năm nay khách các nơi đổ về mua đào đông như trẩy hội, nhiều lái buôn ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu; thành phố Vinh, đánh cả xe ô tô về mua”, ông Thành nói.
Ông Phan Minh - một lái buôn đào ở TP Vinh cho biết: Nói về hoa đào, mỗi vùng miền có một nét đẹp độc đáo riêng, chẳng dám nói đào ở đâu đẹp hơn, nhưng mấy năm rồi tôi đều về Kim Thành để gom đào vì đào Đồng Bản thế dáng đẹp một cách tự nhiên, màu hoa thắm, tươi lâu rất dễ bán cho mọi tầng lớp dân chúng, chẳng bao giờ sợ ế".
Quả vậy, nói đến đào Đồng Bản thì cả vùng Nghệ An đều biết đến như một thương hiệu.
Hiện Nay không chỉ riêng Đồng Bản xã Kim Thành mà nhiều xã miền núi của huyện lúa Yên Thành đều phát triển nghề trồng đào như Quang Thành, Thịnh Thành, Đồng Thành, Xuân Thành.
Theo nhiều thương lái hoa đào cho biết: Tết nguyên đán 2014 này, hoa đào huyện lúa đã "phủ sóng" hầu khắp thị trường Nghệ An, tràn sang cả Hà Tĩnh và Quảng Bình…
Trở thành triệu phú sau một mùa hoa
Đầu năm đến xông đất hộ trồng đào - chị Nguyễn Thị Mai Hồng (1983) ở xóm Đồng Bản, thấy những quả đồi phủ một màu hồng hoa đào phai, đẹp như một bức tranh thủy mạc. Chị Hồng phấn khởi cho biết: “ Nhờ mạnh dạn đầu tư trồng đào nên sau mỗi vụ hoa đào vợ chồng em lại trở thành triệu phú. Lãi trên dưới 100 triệu đồng”.
Qua tiếp xúc được biết, vợ chồng chị Hồng trước đây vay mượn hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động ở Liên bang Nga, thế nhưng đi mấy năm mà chẳng làm ra nên hai vợ chồng đành phải về nước. “Về nước vợ chồng em còn nợ nần nhiều lắm mà chẳng biết làm gì để trả, trong lúc đang khó khăn như vậy chợt vợ chồng em nghĩ đến việc trồng đào. Đất nhà mình rộng mênh mông, lại có đào truyền thống nên vợ chồng em bàn bạc thầu thêm 1ha đất đồi, thống nhất trồng gần 2 ngàn gốc đào. Lúc đầu ai cũng bảo là hâm nhưng sau hai năm trồng, vợ chồng em thu nhập vụ đầu tiên lãi hơn 1 trăm triệu đồng làm ai cũng trầm trồ thán phục. Sau đó nhà nhà đua nhau trồng đào. Riêng vụ đào năm nay thời tiết thất thường, đào nở sớm nhưng nhà em cũng thu nhập gần 100 triệu đồng”, chị Hồng tâm sự.
Kế bên nhà chị Hồng, nhà anh Nguyễn Thành trồng hơn 8 sào cây đào, tết năm nay cũng lãi hơn 50 triệu đồng. Anh Thành phấn khởi: “ Nhà tui năm nay lái buôn họ đến mua tận vườn nên không phải chặt đi bán như mọi năm. Trồng đào không phải đầu tư nhiều nhưng lãi lớn. Sang năm mới này tôi sẽ đầu tư trồng nhiều hơn.”
Không chỉ riêng hai hộ gia đình chị Hồng, anh Thành mà 130 hộ dân Đồng Bản cùng hàng trăm hộ trồng đào ở miền tây huyện Yên Thành cũng thu lãi lớn gấp hàng chục lần trồng lúa nên bà con vô cùng phấn khởi.
Xây dựng thương hiệu
Hoa đào ở các xã miền núi huyện lúa Yên Thành mọc trên đất cằn sỏi đá nhưng thế dáng đẹp một cách tự nhiên, hoa ra rất nhiều đợt, nụ nối nụ, hoa nối hoa kéo dài từ khoảng giữa tháng 12 cho đến hết tháng giêng. Có cây còn ra hoa đến tận tháng ba. Vậy nên khách hàng trong và ngoài tỉnh đều biết đến đào đào phai quê lúa Yên Thành như một thương hiệu.
Ông Nguyễn Đình Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Thành cho biết: “Nhờ trồng đào mà Đồng Bản từ một xóm núi nghèo, nay đã thay da đổi thịt thành một xóm giàu có. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ đào tết, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm mới 2014 này chúng tôi sẽ đưa khoa học kĩ thuật vào hướng dẫn cho bà con về phương pháp trồng đào, tạo thế dáng đẹp và xây dựng thương hiệu đào Đồng Bản trở thành thương hiệu nổi tiếng như đào Nhật Tân, đào Tam điệp Ninh Bình.