Thưa ông, việc chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ trong những năm qua đã được thực hiện như thế nào?- Toàn vùng có khoảng 1,3 triệu người Khmer. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trong vùng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ giao, các năm qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp, đôn đốc các tỉnh, thành trong vùng thực hiện tốt Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18.4.1991, Kết luận số 67-KL/TW của Ban Bí thư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống, định canh định cư, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch và vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thông tin, trợ giúp pháp lý, vốn tín dụng ưu đãi…
Các sư sãi và đồng bào Khmer vui Tết Chôl Chnăm Thmây.
Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng đông đồng bào dân tộc Khmer có bước tăng trưởng khá ổn định, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ Khmer nghèo toàn vùng hiện còn khoảng 25% (vào thời điểm đầu năm 2011 là 36,6%), 98% số hộ Khmer có phương tiện nghe nhìn, khoảng 85% số hộ Khmer được sử dụng lưới điện quốc gia và nước hợp vệ sinh, tỷ lệ con em đồng bào dân tộc Khmer trong độ tuổi đến trường trên 90%.
Các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào được giữ gìn và phát huy, đồng bào dân tộc Khmer có các ngày lễ, tết quan trọng như Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn ta, Ok Om Bok, hàng năm Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đều tổ chức các hoạt động họp mặt, thăm mừng các vị chư tăng, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer và đồng bào dân tộc Khmer trong vùng nhân các ngày lễ, tết này.
Xin ông cho biết việc tổ chức họp mặt cán bộ, chức sắc, sư sãi, tăng sinh, sinh viên, gia đình chính sách, hộ đồng bào Khmer nghèo, kiều bào là người dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2014 ra sao? - Năm nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ban hành Kế hoạch số 60-KH/BCĐTNB ngày 17.3.2014 về việc họp mặt, thăm mừng nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây 2014.
Theo đó, tham dự buổi họp mặt này vào sáng ngày 4.4 tại nhà hàng Hoa Sứ (TP.Cần Thơ) sẽ có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ban ngành có liên quan, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng, các đồng chí lão thành cách mạng, chức sắc, ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, cán bộ, công chức, viên chức, sư sãi, tăng sinh, sinh viên là người dân tộc Khmer… với khoảng 600 đại biểu, nhằm gặp gỡ, thăm hỏi, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, động viên các vị chư tăng và đồng bào dân tộc Khmer phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng nông thôn mới, thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Ngoài tổ chức họp mặt, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn có hoạt động nào nữa không, thưa ông? - Bên cạnh việc tổ chức họp mặt tại TP.Cần Thơ nêu trên, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thành lập 5 đoàn đến thăm mừng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ là những nơi đào tạo tăng sinh, hội đoàn kết sư sãi yêu nước cấp tỉnh, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách tiêu biểu và hộ Khmer nghèo ở các tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc Khmer, thời gian các đoàn đi thăm, chúc mừng ở các địa phương diễn ra từ ngày 7 - 11.4.2014.
Ngoài kế hoạch thăm mừng của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, TP.Cần Thơ và các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer cũng tổ chức họp mặt, thăm mừng các vị chư tăng, gia đình chính sách, cán bộ là người dân tộc Khmer, cũng như kịp thời tặng quà, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ Khmer nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn Tết Chôl Chnăm Thmây 2014 trong không khí yên vui, đầm ấm.
Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, động viên sư sãi, bà con đồng bào dân tộc Khmer cùng với chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và các phong trào thi đua trên các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Thưa ông, đó là các hoạt động diễn ra trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Vậy còn về lâu dài, việc chăm lo cho đồng bào Khmer sẽ được tiến hành như thế nào?
- Việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer không chỉ diễn ra vào thời gian cao điểm nêu trên mà công tác này luôn là công việc trọng tâm, thường xuyên của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thể hiện cụ thể qua việc phối hợp kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành trong vùng thực hiện tốt công tác dân tộc theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14.1.2011 của Chính phủ;
Chương trình 135 giai đoạn III (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4.4.2013), tập trung giải quyết đất ở, việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp với hỗ trợ vốn vay để hộ Khmer nghèo tạo việc làm, phát triển sản xuất theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ.
“Nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây 2014 sắp đến và thông qua chuyên trang đồng bằng sông Cửu Long trên Báo NTNN, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ gửi lời chúc mừng đến quý vị chư tăng, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức, tăng sinh, học sinh, sinh viên là người dân tộc Khmer, kiều bào dân tộc Khmer và đồng bào dân tộc Khmer trong vùng. Chúc các vị chư tăng và đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây 2014 trên tinh thần vui tươi, an toàn và tiết kiệm”.
Ông Nguyễn Phong Quang
|
Chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chính sách của Nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, cử tuyển, dự bị đại học, dạy nghề cho thanh niên dân tộc, đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân tài trợ kinh phí đầu tư xây dựng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) theo tinh thần xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.
Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào thông qua việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào thông qua việc nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các đoàn nghệ thuật Khmer, các chương trình tiếng Khmer trên sóng phát thanh, truyền hình của VTV Cần Thơ, Đài Tiếng nói Việt Nam - cơ quan thường trú khu vực ĐBSCL và các đài phát thanh truyền hình địa phương, phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của đồng bào.
Tiếp tục phối hợp tổ chức tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo năm 2014 để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, phát huy đại đoàn kết dân tộc… Tin rằng, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trong vùng ngày càng nâng cao.
Xin cảm ơn ông!