Dân Việt

Bộ Y tế siết chặt an toàn tiêm chủng

Diệu Linh 03/04/2014 11:59 GMT+7
Ngày 2.4, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi 3 trẻ ở Quảng Trị bị tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B (từ tháng 7.2013), Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra các điểm tiêm chủng, siết chặt việc thực hiện đúng quy trình tiêm.
Trường hợp hy hữu

Nói về nghi vấn, TS Phu cho biết, 3 mũi tiêm từ 2 lô vaccine khác nhau, sau đó 3 trẻ tử vong cùng một hiện tượng thì không thể do vaccine. Đây cũng là sự việc hi hữu chưa từng xảy ra trong 25 năm tiêm chủng. Kết quả kiểm tra ngay từ đầu đã cho thấy việc thực hiện tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị) có quá nhiều sai sót, như để lẫn sinh phẩm y tế và thuốc khác chung vào tủ đông chỉ dùng để đựng vaccine; không ghi chép quản lý vaccine hàng ngày, không lưu vỏ lọ theo quy định; không triển khai tiêm chủng tại phòng tiêm…

Có tới 37,1% số nhân viên y tế có kỹ thuật tiêm chưa chuẩn.
Có tới 37,1% số nhân viên y tế có kỹ thuật tiêm chưa chuẩn.

Về loại thuốc được cho là đã tiêm nhầm cho trẻ, TS Phu cho biết, tất cả các thông tin và quá trình điều tra do Công an Quảng Trị phụ trách. TS Phu khẳng định: “Bất cứ loại thuốc nào cũng phải được chỉ định đúng bệnh, đúng liều. Quy trình bảo quản vaccine và thực hành tiêm chủng càng cần phải nghiêm ngặt hơn. Nhưng bệnh viện đã để chung nhiều loại thuốc vào tủ bảo quản vaccine. Sau khi lấy thuốc, cán bộ tiêm cũng phải thực hiện quy tắc “3 tra, 5 đối” (kiểm tra và đối chiếu- kiểm tra và đối chiếu tên thuốc). Cán bộ tiêm cũng đã bỏ qua khâu này, dẫn đến sai sót vô cùng nghiêm trọng”.

GS Nguyễn Đình Bảng - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định Vaccine và Sinh phẩm y tế quốc gia cũng cho rằng, việc bảo quản vaccine vô cùng quan trọng. Nếu để chung vaccine với các sinh phẩm y tế khác thì sẽ xảy ra nhầm lẫn. Tủ bảo quản không đúng nhiệt độ cũng khiến các kháng nguyên bị biến chất và bị giảm sút hàm lượng, thậm chí gây phản ứng sau tiêm cho trẻ. Mỗi vaccine cũng đã được nghiên cứu để quy định một nhiệt độ và cách sử dụng cụ thể. Ngoài ra, GS Bảng cũng nghi ngại nếu tiêm cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện thì cũng xảy ra nhiều rủi ro. Vì y tá của nhà hộ sinh thì kỹ năng tiêm chủng không thể bằng nhân viên y tế chuyên phụ trách công tác tiêm chủng.

Bài học đau xót

"Thời gian tới sẽ sát sao hơn trong công tác kiểm tra, giám sát quy trình tiêm chủng. Bộ đã thành lập một hệ thống giám sát chặt chẽ, tỉnh giám sát huyện, huyện giám sát xã, để chấn chỉnh kịp thời các lỗi sai sót.”

Ông Trần Đắc Phu

Theo ông Phu, ngay sau khi phát hiện ra các sai sót về quy trình tiêm chủng ở một số cơ sở, Bộ Y tế đã siết chặt an toàn tiêm chủng bằng việc tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ tiêm chủng, tăng cường kiểm tra các điểm tiêm chủng... Hiện trên toàn quốc có 13.437 điểm tiêm chủng. Bộ Y tế đã kiểm tra được 13.202 điểm (đạt 98,8%). Kết quả cho thấy 98,3% điểm đủ điều kiện tiêm chủng.

Theo ông Phu, trong tổng số 1,7% điểm tiêm chủng chưa đạt tiêu chuẩn là do đang trong quá trình sửa chữa, xây mới hoặc chuyển địa điểm. Một số điểm có các lỗi như chưa tổ chức tập huấn định kỳ cho cán bộ, tài liệu tuyên truyền chưa đầy đủ thì đã có kế hoạch kiện toàn, khắc phục.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực hành an toàn tiêm chủng tại Hà Nội năm 2013 trên gần 100 điểm tiêm chủng cho thấy, có tới 37,1% số nhân viên y tế có kỹ thuật tiêm chưa chuẩn, 27,84% bố trí điểm tiêm chưa hợp lý, 28,6% tư vấn sau tiêm chưa đầy đủ, 4,12% chưa theo dõi sau tiêm 30 phút. Ngoài ra, không ít điểm tiêm chủng thiếu các tài liệu hướng dẫn tiêm chủng, sổ sách báo cáo không đầy đủ, cán bộ y tế không ký sổ tiêm sau tiêm...

Một trong những khâu quan trọng mà TS Phu nhấn mạnh là việc tăng cường trình độ khám sàng lọc cho cán bộ tiêm chủng, xác định ra đối tượng nào chống chỉ định, đối tượng nào cần hoãn tiêm. “Như vậy sẽ sàng lọc được các trẻ em bị bệnh bẩm sinh cần phải chống chỉ định để tránh các trường hợp tử vong ngẫu nhiên”..