Dân Việt

Nguy cơ dịch cúm bùng phát đầu xuân

Diệu Linh 22/01/2014 12:03 GMT+7
Sau ca tử vong đầu tiên do cúm A/H5N1, các chuyên gia y tế lo ngại rằng mùa đông xuân là mùa cúm, lại vào dịp tết nên tình trạng buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm diễn ra phổ biến... sẽ là nguy cơ bùng phát và lan rộng dịch cúm nguy hiểm.
Nhiều chủng cúm bùng phát

Như NTNN số 18/2014 thông tin, một nam 52 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước, đã tử vong do cúm A/H5N1 vào ngày 18.1. Đây là ca mắc và tử vong đầu tiên do cúm A/H5N1 trong năm 2014. Điều tra dịch tễ cho thấy, gia đình bệnh nhân có giết mổ, ăn thịt vịt và địa bàn sinh sống có hiện tượng gà ốm chết không rõ nguyên nhân.

Điều trị cho ca viêm phổi nặng nghi ngờ do virus cúm  tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư ngày 21.1.
Điều trị cho ca viêm phổi nặng nghi ngờ do virus cúm tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư ngày 21.1.

Đáng lưu ý, bệnh nhân bị ho sốt, khó thở, được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bù Đăng từ ngày 11.1. Tuy nhiên, việc điều trị đã không hiệu quả nên được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước ngày 17.1, sau đó lại chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM vào ngày 18.1 và tử vong cùng ngày. Viện Pasteur TP. HCM đã làm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và có kết quả dương tính với cúm A/H5N1.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, virus H5N1 chủ yếu xuất hiện trên gia cầm, thường thì gia cầm sẽ ốm chết nhưng cũng không ít gia cầm khỏe vẫn mang virus. Tuy nhiên, không phải người nào tiếp xúc với gia cầm có virus cũng bị mắc bệnh, chỉ ít cá thể thích nghi với virus H5N1 nên mới bị lây nhiễm.

Tỷ lệ mắc thấp nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao, tới hơn 50%. Do đó, cần phải cảnh giác với các triệu chứng cúm, ho, sốt cao. Giám sát lưu hành virus H5N1 trên gia cầm tại 147 chợ gia cầm sống thuộc 44 tỉnh thành của Bộ NNPTNT năm 2013 cho thấy, tỷ lệ các chợ phát hiện virus H5N1 là rất cao, tới 61,2%; tỷ lệ mẫu dương tính với H5N1 trên vịt cũng tới 5,68%. Do đó, khả năng một người nhiễm H5N1 từ gia cầm khỏe mang mầm bệnh là rất lớn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, ngày 20.1, bệnh viện cũng vừa tiếp nhận một trường hợp suy hô hấp nặng nghi do virus cúm. Bệnh nhân là nữ, 39 tuổi (trú tại Thanh Oai, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phim chụp phổi cho thấy phổi mờ, lan tỏa cả hai bên.

Hiện bệnh nhân đang được thở máy, các bác sĩ tiên lượng xấu. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đã bị ho, sốt cao 3 ngày nhưng không đi bệnh viện, đến ngày thứ 4 bị bệnh nặng thì mới đưa đi cấp cứu. Điều tra dịch tễ cho thấy, gia đình có gà chết. Hiện mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này đang được đưa đi xét nghiệm để xác định chủng cúm.

Khó chẩn đoán và điều trị


Bác sĩ Hà cho biết, thuốc Taminflu hiện vẫn có hiệu quả với cúm A/H5N1. Tuy nhiên, bệnh chỉ điều trị hiệu quả trong vòng 3 ngày đầu. Càng điều trị muộn thì cơ hội sống càng thấp.

Ngày 21.1, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trong vài ngày qua, tại Trường THPT Nội trú Trí Đức (Mỹ Đình) đã có hơn 30 em học sinh bị sốt, ho nhẹ, trong đó có 13 em được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư điều trị. Xét nghiệm ban đầu cho thấy chỉ có 2 trong số 13 em có dương tính với cúm A (chưa rõ chủng nào). Các em đều không có biểu hiện viêm phổi, đã được điều trị, sức khỏe ổn định, nhiều em đã xuất viện.

Nhưng theo bác sĩ Hà, việc phân biệt đâu là cúm mùa, đâu là cúm A/H5N1 là rất khó. “Hầu hết các biểu hiện của cúm A/H5N1 đều giống như các loại cúm và viêm đường hô hấp khác như sốt cao, ho. Còn muốn xác định có phải cúm A/H5N1 hay không phải dựa trên các yếu tố dịch tễ như bệnh nhân có tiếp xúc với gia cầm sống, có ăn thịt gia cầm hay không hoặc địa bàn sinh sống có gà ốm bệnh hay không?

“Nhưng nếu bệnh nhân chỉ vô tình tiếp xúc với gia cầm, không nhớ rõ thì bác sĩ cũng khó lòng phân định. Việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm hiện nay cũng mất 1-2 ngày” – bác sĩ Hà cho biết. Do đó, nếu mấy ngày đầu bị cúm, nhiều bệnh nhân chỉ điều trị qua quýt tại nhà, thấy sốt thì uống thuốc hạ sốt, thấy ho thì uống kháng sinh. Tuy nhiên, virus H5N1 hoàn toàn “vô cảm” với các loại thuốc này, bệnh sẽ càng trở nặng dẫn đến suy hô hấp nặng. Đến lúc này mới đưa đi viện, điều trị bằng Taminflu thì cũng không còn hiệu quả.

Theo bác sĩ Cấp, tất cả các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng viêm phổi nặng đều được điều trị ngay bằng Taminflu mà chưa cần xét nghiệm về chủng cúm. Tuy nhiên nếu phổi đã bị tổn thương nghiêm trọng thì rất khó phục hồi.

Bác sĩ Trung Cấp lưu ý: “Đang vào dịp tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm diễn ra phổ biến. Hơn nữa, mùa đông xuân là mùa cúm. Do đó, khả năng người dân nhiễm các loại cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng là rất lớn. Khi có các biểu hiện cúm, ho, sốt, cần phải đi khám để được điều trị đúng bệnh. Ngoài ra, virus cúm có thể lây qua nước bọt, tiếp xúc nên bệnh nhân cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần với mọi người”.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hồng Hà, tuy hiện nay chưa phát hiện ra việc biến đổi gene của virus H5N1, nhưng ngày càng xuất hiện nhiều loại virus cúm từ gia cầm lây sang người như H7N9, H10N8, H6N1 với cùng triệu chứng ho, sốt, khó thở và phổi bị tổn thương nặng. “Việc lưu hành nhiều chủng cúm cùng lúc sẽ dẫn đến nguy cơ các chủng cúm này cùng tấn công 1 tế bào trên gia cầm, lây nhiễm chéo sang nhau và tạo thành chủng cúm mới, có độc lực mạnh hơn.