Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo quân về trời dâng tấu Ngọc Hoàng việc bếp núc, làm ăn của các gia đình dưới hạ giới trong một năm qua. Ngày này, người dân sắm quần áo, mũ mão làm lễ để dâng lên ông Công, ông Táo với mong muốn gia đình an khang, thịnh vượng.
Phong phú thị trường cá chépVới ý nghĩa quan trọng này, người dân đã mua sắm đồ cúng ông Công, ông Táo cách đây vài tuần, nhưng càng gần ngày 23 tháng Chạp, thị trường càng sôi động. Phố Hàng Mã (Hà Nội) chiều 21 tháng Chạp tấp nập kẻ bán người mua.
Người dân thôn Thủy Trầm bắt cá chép đỏ chuẩn bị bán cho người dân cúng ông Công, ông Táo.
Chị Thu Hà - nhân viên văn phòng cho biết, chị vừa mua một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 chú cá chép giấy với giá 70.000 đồng/bộ. "Giá năm nay không đắt hơn năm ngoái bao nhiêu, nếu mua bộ to đẹp giá sẽ từ 120.000 - 150.000 đồng/bộ" - chị Hà nói. Những người tiết kiệm hơn có thể mua những sản phẩm này tại các chợ cóc, hay của những người gánh hàng rong với giá chỉ 25.000 - 30.000 đồng, loại to có giá 50.000 - 80.000 đồng/bộ. Đông không kém phố Hàng Mã là đường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) - trung tâm của thị trường cá chép, cá vàng - loại cá thường sử dụng trong lễ cúng ông Công, ông Táo. Tại phố này, cá vàng nhỏ có giá từ 5.000 – 10.000 đồng/con, cá chép ngũ sắc 10.000 – 15.000 đồng/con. Tại đây còn bán cả một số loại cá chép nhập từ nước ngoài, giá thành cao hơn, như cá chép Nhật, cá chép ngọc trai.
Anh Trần Minh Hoan-chủ cửa hàng cá cảnh tại Yên Phụ cho biết, năm nay giá cả các loại cá cúng ông Công, ông Táo không biến động nhiều so với năm trước. Bộ ba cá chép đỏ giá 30.000 – 50.000 đồng/bộ. Ngoài ra, cửa hàng nhập về nhiều loại cá chép mới ra mắt thị trường như chép vẩy rồng, chép trắng Sài Gòn... giá dao động 80.000 - 300.000 đồng/cặp. Theo anh Hoan, phải đến ngày 22, 23 tháng Chạp các loại cá mới bán chạy. Cũng vì lý do này, mà tại hầu hết các chợ cóc, chợ tạm, thậm chí cả chợ chính của Hà Nội, các bà các cô chưa bày bán nhiều cá. "Thường thì ngày 22, 23 tháng Chạp người dân mới bắt đầu đi mua cá. Mối hàng chúng tôi đã lo hết chỉ chờ đúng ngày 23 là đem về bán”-chị Chu Thị Loan tiểu thương tại chợ Ngọc Hà cho biết.
Nuôi cả năm không bằng buôn một ngày
“Việc đốt vàng mã và thả cá chép vào ngày lễ ông Công, ông Táo là mang ý nghĩa tâm linh. Người dân không nên lãng phí tiền của mà nên thể hiện cái tâm và lòng thành của mình bằng cách tiết kiệm chi tiêu ngay từ chính những việc cúng, lễ ngày Tết”. Sư thầy Thích Đàm Liên - trụ trì Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội)
|
Lùi ra các chợ ngoại thành, giá cá chép các loại rẻ hơn khá nhiều. Ông Nguyễn Văn Chín - chủ một gia trại nuôi cá chép đỏ ở thôn Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) cho biết, giá cá bán tại ao thậm chí còn thấp hơn mọi năm: 100.000 đồng/kg (so với 140.000 đồng/kg tết năm ngoái). Tính trung bình 1 con cá chép phóng sinh loại nhỏ chỉ 1.000-1.500 đồng. Tại các chợ quê, chỉ 3.000-5.000 đồng/con, nhưng về tới Hà Nội, giá nâng lên mức 10.000 đồng/con. Ông Chín ước tính trừ chi phí vận chuyển, thương lái lãi 30 - 60%. “Chúng tôi nuôi cả năm không bằng họ đi buôn một ngày”- ông Chín nói.
Tục thờ ông Công, ông Táo là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, song thực tế ngày nay, không ít người đã lạm dụng nghi lễ này để mua bán và sử dụng các loại vàng mã, đồ cúng gây lãng phí tiền bạc, ô nhiễm môi trường, thậm chí là mê tín dị đoan. Nhiều người không chỉ mua cá chép, bộ mũ áo đơn giản mà còn mua cả nhà, xe, ngựa... với hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Người ta mua cá chép ồ ạt rồi thả đầy các sông hồ vốn đã ít ỏi lại ô nhiễm của Hà Nội, miễn nơi nào có nước là thả cá, nên cứ sau ngày này cá vàng, cá chép lại chết một cách oan uổng, xác nổi đầy hồ...