Những nạn nhân nghèo khổNgày 10.3, TS-bác sĩ Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc nấm được chuyển về từ Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên gồm: Bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) và chồng là Triệu Nho Phú (56 tuổi); mẹ con chị Lý Thị Thơm (35 tuổi), Lý Minh Khôi (13 tuổi), cùng cháu họ chị Thơm là Lý Thị Thùy (14 tuổi). Họ đều là người dân tộc Dao, trú xóm Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Lý Minh Khôi.
Người nhà chị Thơm cho biết, ngày 8.3, mẹ con chị Thơm và cháu Thùy lên núi hái được khoảng 1,5kg nấm và rẽ vào chòi của vợ chồng bà Hồi để nấu ăn. Sau khi ăn nấm, 5 người đều bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy dữ dội nên đến khám tại Trung tâm Y tế Võ Nhai, sau đó lại chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh viện tỉnh đã chuyển lên Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai vào tối 9.3. TS - bác sĩ Nguyễn Kim Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân cho biết: Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, huyết áp tụt và có các dấu hiệu nhiễm độc gan cấp. Điều tra dịch tễ cho thấy các bệnh nhân này đã ăn phải nấm độc tán trắng - một loại nấm cực độc nhưng lại có màu sắc và hình dáng gần với nấm trắng ăn được nên bà con dễ nhầm.
“Khi ăn phải nấm độc, diễn tiến của bệnh cũng rất nhanh. Muốn cứu sống được các bệnh nhân này cần phải lọc máu liên tục, mỗi lần lọc chi phí khoảng 15 triệu đồng, mỗi ngày phải 3-4 lượt lọc” – bác sĩ Sơn cho biết. Tuy nhiên, hiện cả 5 bệnh nhân đều không có khả năng chi trả chi phí điều trị.
Khi bị ngộ độc nấm, bà Hồi, ông Phú đã định chết ở rừng, không đi bệnh viện, cán bộ xã phải vào tận rừng cõng ra. Hai cháu Thùy - Khôi đều có hoàn cảnh éo le. Bà ngoại cháu rơm rớm nước mắt: “Đến tiền mua nước cho cháu uống còn không có cô ơi, tội lắm”. Hiện Bệnh viện Bạch Mai cung cấp miễn phí bữa ăn cho cả bệnh nhân và người nhà.
Không ăn nấm lạ
Theo TS Duệ: loại nấm tán trắng gây ngộ độc cho 5 bệnh nhân nói trên chỉ khác nấm rơm thông thường ở chỗ phía gốc có đoạn phình lớn, còn mùi vị đều thơm ngon, ngọt như nấm không độc.
Loại nấm này có chứa độc tố amanitin (cyclopolypeptide) có độc tính cao. Một chiếc nấm là có thể gây chết một người trưởng thành nếu như không được cấp cứu kịp thời”.
|
Số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, từ năm 2007, đến
năm 2012, cả nước xảy ra 125 vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng nấm độc làm
thức ăn, khiến 545 người ngộ độc, trong đó gần 500 người phải đến bệnh
viện cấp cứu và 53 trường hợp tử vong.
Các vụ ngộ độc do nấm độc xảy ra
nhiều nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chiếm hơn 70% tổng số vụ và
gần 90% số người chết; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên.
TS Duệ cho biết, trước tình hình ngộ độc nấm của bà con dân tộc thiểu số , Bộ Y tế đã có nhiều chương trình tuyên truyền cho bà con về cách nhận biết nấm độc, tới từng thôn bản.
Tuy nhiên, do đời sống khó khăn nên bà con vẫn thường xuyên thu hái nấm ở trong rừng về ăn. Hơn nữa, những loại nấm gây ngộ độc thường có hình dáng gần với nấm ăn được như: Nấm tán trắng, nấm trắng hình nón, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm mũ khía nâu…
Trong khi đó, người dân tộc thường có quan niệm: Nấm sặc sỡ mới độc còn nấm trắng thì an toàn. Ngoài ra, họ thường thử độc bằng cách cho mèo, chó, gà ăn thử nấm, sau 1-2 giờ nếu không thấy các con vật bị ngộ độc thì tức là nấm lành. Tuy nhiên, các nấm độc phát độc chậm, thậm chí 15-20 giờ sau ăn, nên dù cẩn thận vẫn ngộ độc.