Sau khi xem qua một loạt đề toán của học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 được
đưa lên mạng, Giáo sư Đặng Đức Trọng, Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH
Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận định: “Có thể nói đây là những đề toán có
vấn đề về cách diễn đạt, khiến nó không rõ ràng, mơ hồ, có câu không
phù hợp với học sinh.
Trước đề này người lớn còn phải suy nghĩ hồi lâu mới hiểu đề hoặc mới có cách giải, thì học sinh tiểu học chỉ có nước cắn bút vì ấm ức”.
Một ví dụ tại trang Facebook của nhóm “Tôi yêu tiếng Việt” đưa ra đề kiểm tra dành cho học sinh lớp 1, yêu cầu tìm số lớn hơn 60 và nhỏ hơn 80. Trong đó, các đáp án được đưa ra là 61, 70, 80. Như vậy, học sinh chọn đáp án 61 hay 70 đều đúng. Tuy nhiên, cô giáo sửa lại đáp án là số 70. Giáo sư Trọng cho rằng, nếu lấy đáp án đó cô giáo phải yêu cầu cụ thể là hãy tìm số hàng chục lớn hơn 60 và nhỏ hơn 80 thì đề mới chính xác.
Còn trên trang Facebook của nhóm “Cần một trái tim để sưởi ấm” cũng đăng lại một đề toán lớp 2: “Có 5 quả cam để trong rổ, làm thế nào để có thể chia cho 5 bạn, mỗi bạn 1 quả mà trong rổ vẫn còn 1 quả”. Đa số dân mạng đều cho rằng đây là câu đố mẹo, không phù hợp với một bài kiểm tra môn toán lớp 2.
“Tôi phải suy nghĩ mãi mới ra một phương án, con nít thì chắc nghĩ hoài không ra vì đề khó hiểu”, một thành viên tham gia Facebook tên Tuấn Dũng cho biết.
Tương tự, một đề toán của học sinh lớp 4 được thành viên Bùi Hân đưa
lên Facebook: “Một cửa hàng ngày thứ nhất bán được 4326 kg gạo, ngày thứ
hai nếu bán thêm được 32 kg thì sẽ bán hơn ngày thứ nhất 100 kg, ngày
thứ ba bán kém ngày thứ nhất thứ hai 178 kg gạo. Hỏi cả ngày cửa hàng
bán được bao nhiêu kg gạo?”, đã thực sự đánh đố học sinh.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nhận xét: “Nếu nói về dữ liệu của bài, thì câu “ngày thứ ba bán kém ngày thứ nhất thứ hai 178 kg” là sai. Lẽ ra ngày thứ ba bán kém ngày thứ hai 178 kg thì hợp lý hơn. Yêu cầu của đề này cũng mập mờ, khó hiểu. Đúng ra phải là cả 3 ngày cửa hàng bán được bao nhiêu kg gạo, hoặc ngày thứ 3 bán được bao nhiêu. Chứ “cả ngày” là ngày nào? Học sinh sẽ không thể giải được bài với yêu cầu không rõ ràng như vậy”.
Học sinh có thể sẽ sợ môn toán
Giáo sư Đặng Đức Trọng lo ngại: “Ở lứa tuổi càng nhỏ, thì cô giáo càng phải cẩn thận trong việc dạy học và đánh giá. Giáo viên diễn đạt một đề toán đơn giản mà không tốt, thì khi dạy, rất có thể cũng sẽ không làm cho học sinh hiểu bài rõ ràng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tư duy toán học của các em. Khi hiểu mơ hồ, lờ mờ, không biết thế nào là đúng sai, hoặc làm bài đúng lại bị điểm thấp… sẽ khiến học sinh sợ hãi môn toán”.
Từ đó, Giáo sư Trọng cho rằng một đề toán trước khi đưa ra cho học sinh làm cần phải thẩm định lại về mặt toán học, cách diễn đạt và nội dung có phù hợp với các kiến thức thực tế hay không? Nếu đề nào có nhiều đáp án thì phải nói cho học sinh biết là có thể chọn nhiều đáp số, đề nào có một đáp số duy nhất thì phải ra đề cụ thể, chính xác, không mơ hồ.
Ông Nguyễn Tuấn Minh cho biết mỗi tháng trung bình học sinh tiểu học sẽ được làm 2 bài kiểm tra môn toán. Mỗi năm 4 bài kiểm tra định kỳ và cuối học kỳ sẽ làm 1 bài thi. “Khi ra đề bài, dù là bài kiểm tra thường xuyên hay định kỳ, chúng tôi đều yêu cầu giáo viên báo cáo lên ban giám hiệu để duyệt, tránh tình trạng đề bị sai sót như các trường hợp trên. Và mỗi đề phải có đầy đủ 4 mức độ dành cho các học sinh trung bình, yếu, khá, giỏi”, ông Minh chia sẻ.
* Đề toán lớp 4 hỏi cả ngày bán được bao nhiêu kg thật chẳng có logic. (Diễm Ngọc/Facebook) * Do cách hành văn của cô giáo chưa tốt nên học sinh tha hồ cắn bút. (Jenny/webtretho) * Ở bài toán lớp 2, ta có thể lấy 4 quả cam chia cho 4 bạn, trong rổ còn lại 1 quả ta đưa nốt cho bạn thứ 5. Bài này chỉ nên ra cho kỳ thi học sinh giỏi. (Mai Nhi/webtretho) * Khổ thân các bé, đề bài như thế này thì làm sao giải được. (Mebecua/webtretho) * Cỡ Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng chào thua không biết cả ngày bán được bao nhiêu kg gạo luôn ấy chứ. (Nước Lọc/Facebook) |