Ông Lê Hải Bình.
Một số tờ báo nước ngoài đã trích dẫn
lại nguồn tin từ báo chí Việt Nam và nhấn mạnh đến việc ông Lê Hải Bình
là người phát ngôn trẻ tuổi nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Riêng hãng tin BBC của Anh đã trích dẫn đầy đủ tiểu sử các vị trí công
tác của ông Lê Hải Bình trong những năm qua.
Ông
Lê Hải Bình sinh năm 1977, quê gốc Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Theo hồ
sơ Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp, ông Lê Hải Bình tốt nghiệp Học viện
Quan hệ quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao) năm 1999.
Ông Lê Hải Bình
bắt đầu công tác tại Bộ Ngoại giao từ năm 2000 tại Vụ Châu Á 2 (nay là
Vụ Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương).
Từ tháng 10.2000 đến tháng 12.2003, ông Lê Hải Bình làm tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei. Sau đó, ông Lê Hải Bình lần lượt làm chuyên viên tại Vụ Châu Á 2, Văn phòng bộ, Thư ký lãnh đạo bộ, Thư ký Bộ trưởng.
Từ tháng 12.2008, ông Lê Hải Bình được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại kiêm Thư ký Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao.
Trước khi chuyển sang Vụ Thông tin báo chí vào tháng 6.2013, ông Lê Hải Bình giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược.
Ông Lê Hải Bình là tiến sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế, tốt nghiệp năm 2013 với đề tài: “Tác động của quan hệ Mỹ - Trung đến an ninh Châu Á - Thái Bình Dương sau Chiến tranh lạnh”. Với vai trò một nghiên cứu sinh, trong luận án của mình, ông Bình đã giả sử các kịch bản của quan hệ Mỹ - Trung đến năm 2020 và chiều hướng tác động của mối quan hệ này đối với an ninh Châu Á - Thái Bình Dương. Trong bốn kịch bản được trình bày, luận án thiên về kịch bản Mỹ có nhiều khả năng duy trì được vị thế siêu cường, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn có tính cơ cấu. Do đó, tương quan lực lượng Mỹ - Trung tiếp tục có lợi cho Mỹ. Trung Quốc tiếp tục phải “chờ thời”. Trong kịch bản này, an ninh Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, bá quyền Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng cường tác động vào nội bộ các nước có khác biệt thể chế chính trị với Mỹ.
Luận án cũng nêu một số kiến nghị đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm tận dụng các cơ hội cũng như giảm thiểu thách thức do quan hệ Mỹ - Trung mang lại. Theo tác giả, chính sách để xử lý quan hệ Mỹ - Trung không đơn thuần chỉ điều chỉnh quan hệ giữa Việt Nam với hai nước này, mà là một chỉnh thể tổng hợp, bao hàm nhiều cấp độ từ song phương tới đa phương, từ trong khu vực tới ngoài khu vực, trải rộng trên nhiều lĩnh vực (chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa…).
Sau khi được bổ nhiệm làm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết, ông tự tin để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Ông Bình chia sẻ, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, cùng với vị thế ngày càng lên cao của đất nước và những thành công của đối ngoại Việt Nam, thì bất kỳ vị trí nào của ngành ngoại giao cũng có nhiều thách thức, đặc biệt là vị trí người phát ngôn. Ông Lê Hải Bình tin rằng sẽ vượt qua được những thách thức, khó khăn để tự tin hoàn thành nhiệm vụ.
Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam - ông Đặng Đình Quý cho biết, trước ông Lê Hải Bình, học viện đã có ít nhất 3 cựu sinh viên làm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đó là bà Phan Thúy Thanh, ông Lê Dũng và ông Lương Thanh Nghị.
Nói về những thách thức của người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao, bà Hồ Thể Lan - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn 1987-1996 - trong cuốn sách “Chuyện nghề, chuyện nghiệp Ngoại giao” cho rằng, để có được nguồn thông tin phục vụ phát ngôn mọi lúc, mọi nơi là công việc nặng nề và khó nhọc. Bà Lan khẳng định đã làm người phát ngôn là phải có niềm tin mạnh mẽ. "Phải tin vào những điều mình nói và sự thật chỉ có một…” - bà Lan từng chia sẻ - “Muốn trả lời 1 thì mình phải biết 10. Trước những câu hỏi móc máy, hóc búa, mình còn phải cân trí, đấu não…”.