Dân Việt

Mong có việc làm chứ chưa từng mong có quà

Ngân Hà 07/03/2014 07:14 GMT+7
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 đã được nhiều chị em ở nông thôn biết tới là ngày tôn vinh phái nữ. Nhưng những ngày này, họ thường “cố ý quên” vì không có thời gian nghĩ tới sự tôn vinh đó.
Đó là tâm sự của một nhóm phụ nữ từ Nam Định lên làm nghề trộn bê tông ở công trường quận Thanh Xuân (Hà Nội). Mỗi người có một hoàn cảnh nhưng điểm chung của họ là cái nghèo, là gánh nặng con cái. Nghề nông không gánh nổi gia đình, họ đành phải rời quê hương, lặn lội ra thành phố làm nghề trộn bê tông nặng nhọc. Cái nghề vốn chỉ dành cho nam giới.

Chỉ 4 người phụ nữ phải cõng gần 60 bao xi măng trong nửa giờ đồng hồ.
Chỉ 4 người phụ nữ phải cõng gần 60 bao xi măng trong nửa giờ đồng hồ.

Buổi sáng ngày 6.3, trời mưa phùn và lạnh nhưng các chị phải thức dậy lúc 4 giờ 30 để nấu cơm ăn và chuẩn bị đi làm. Đúng 6 giờ sáng, các chị đã phải có mặt tại địa điểm làm việc. Chị Nguyễn Thị Sợi (xã Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định) cho biết: “Công việc của chúng tôi không ổn định, nay đây mai đó. Ở đâu có việc thì làm. Ngày nào có việc là mừng lắm. Có khi phải làm từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Nhưng có khi cả tuần không có việc. Tôi chỉ mong ngày 8.3 vẫn có việc làm từ sáng đến tối”.

Cô Nguyễn Thị Thoa (57 tuổi, ở xã Bình Hòa, Giao Thủy, Nam Định) tâm sự: “Tôi ra Hà Nội làm nghề này đã 7 năm nay. Gần sáu chục tuổi cõng bao xi măng 50 cân là tôi phải nghiến răng, lưng vẹo hẳn sang một bên rồi, không trở lại bình thường được. Nhưng phải cố thôi vì chồng tôi mất sớm, con cái đứa lớn thì chẳng khá giả gì, đứa bé vẫn đang đi học”.

Khi được hỏi đến ngày 8.3, cô Thoa cười trừ: “Biết có ngày này chứ nhưng hoa và quà chắc dành cho người giàu thôi. Nghèo khó như các cô mong có việc làm kiếm được tiền là tốt rồi”.

Vừa đặt bao xi măng cuối cùng xuống, cô Lê Thị Ngát vừa thở hổn hển vừa kể: Phụ nữ ở quê chúng tôi cũng biết ý nghĩa ngày mùng 8.3. Giờ này nếu còn ở quê, chúng tôi sẽ tập hát, tập múa để tổ chức văn nghệ rồi liên hoan cho phụ nữ đấy chứ. Rồi chị nào giỏi là được khen thưởng. Còn ở đây chúng tôi vẫn quần quật cả ngày. Tôi cũng có 2 con học trên này, chi phí tốn lắm, không làm cật lực thì không đủ chi cho chúng nó. Chỉ ước sao cũng có đội phụ nữ, cũng được múa hát liên hoan cho đời bớt cực nhọc”.