Thông tin một số người dỡ mái đình (thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) lấy 4 thanh gỗ sưa để bán khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Vậy những người thực hiện hành vi đó sẽ bị xử lý ra sao?
Trần Thọ (thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, Thái Bình)
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội) trả lời:
Ông Trương Minh Tiến-Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội khẳng định: “Đình Cựu Quán tuy chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục di sản được kiểm kê để bảo vệ. Chính vì thế, nó vẫn được bảo vệ theo quy định pháp luật về di sản”.
Điều 13, Luật Di sản văn hóa 2001 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: Nghiêm cấm các hành vi: Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật…
Tại khoản 6; Điểm b, khoản 7; Điểm c, khoản 9 Điều 23, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định:
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
+ Tịch thu tang vật vi phạm đối với một trong các hành vi: Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp. Bên cạnh đó còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp
Căn cứ các quy định trên thì hành vi dỡ gỗ sưa của đình làng đem đi bán ngoài việc bị xử phạt, tịch thu tang vật còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do mua bán thanh gỗ sưa.