Ngày 8.3, nhiều chị em chỉ mong được chia sẻ gánh nặng và được tôn trọng…
Vòng “kim cô”Bà Mai Thị Bến, 58 tuổi, ở xã Đồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng) được nhiều người dân địa phương ghi nhận là người phụ nữ tần tảo, yêu chồng, thương con. Năm 1972, chồng bà – ông Nguyễn Văn Ngọ - vừa cưới vợ xong thì lên đường đi nhập ngũ. Bà ở nhà một mình phụng dưỡng cha mẹ già, cấy cày sớm tối.
Nhiều nơi, gánh nặng kiếm sống đè nặng lên vai phụ nữ.
Những tưởng khi chồng rời quân ngũ thì công lao của bà Bến sẽ được đền đáp, nhưng không phải. Nhà có gần chục sào ruộng cho tới giờ cũng chỉ mình bà làm. Để lấy tiền nuôi 3 con ăn học, ngoài giờ làm ruộng, bà còn đi thu mua đồng nát kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, ông Ngọ làm nghề bấp bênh, lại thêm thói cờ bạc, thường xuyên lấy tiền gia đình nướng vào chiếu bạc. Vợ không đưa tiền là ông chửi đánh mắng. Có lần, ông dúi đầu bà vào chum nước đến mức tắc thở, may mà mấy đứa con lao vào ôm chân bố mới cứu được mẹ.
Nói về cảnh ngộ của mình, bà Bến nghẹn ngào: “Đời tôi gần 60 tuổi chưa được ngơi nghỉ lại còn chịu đòn roi, mắng chửi thậm tệ của chồng. Khổ nhục vô cùng”.
Sinh ra trong thời bình, nhưng chị Đinh Hồng Minh, 35 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng chẳng khác phụ nữ… thời chiến. Một ngày của chị bắt đầu từ 6 giờ sáng. Chị dậy lo làm đồ ăn sáng cho bố mẹ chồng và chồng con, đưa con tới trường, vòng lên cơ quan. Chị là phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng nên công việc ngập trong mớ giấy tờ, giao dịch, tiền nong. 5 giờ chiều chị lại tất tưởi về đón con, đi chợ, nấu ăn, tắm giặt cho con rồi dạy con học.
“Từ khi “vươn thở” tới lúc “tiếng thơ” tôi cũng chưa được nghỉ. Thế mà chồng không hề chia sẻ công việc, ngày nào cũng bia bọt đến 7-8 giờ tối mới về. Tính về tiền đóng góp cho gia đình thì tôi kiếm được nhiều hơn, chi nhiều hơn. Tôi thấy ngột ngạt. Chỉ cần không theo guồng quay này là sếp khiển trách, chồng cằn nhằn, bố mẹ chồng trách móc”- chị chán nản nói.
Ngày 8.3, chị cũng được chồng tặng bó hoa, được tung hô “vợ đảm”, chị Minh càng thấy bực bội. “Đó chỉ là cách chồng khoác thêm cho mình những cái “ách” nô lệ chứ đâu phải nâng niu, quý hóa gì”.
Tình cảnh của chị Minh là “cảnh thường thấy” của nhiều chị em ở cả thành thị lẫn nông thôn. “Con học dốt, anh ta mắng vợ không dạy con học, trong khi cả buổi tối anh ta hút thuốc lào vặt bên nhà hàng xóm. Bố mẹ của anh ta ốm, anh ta kẻ cả “cho phép” vợ đưa bố mẹ đi khám bệnh. Hầu như đàn ông thôn tôi ai cũng nghĩ như vậy”- chị Bùi Thị Lệ (xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội) than thở.
Đừng hình thứcBà Nguyễn Thu Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học giới – gia đình - phụ nữ và vị thành niên cho biết, Trung tâm đang có các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình cho một số xã tại Bắc Giang, Hà Nam, Hòa Bình. Những chị em tham gia sinh hoạt đã lên tới hơn 300 người, đều là những người đã và đang bị chồng đánh đập, mắng chửi. Có người đã chịu đựng điều đó trên 30 năm. Nghịch lý ở chỗ, hầu hết các chị đều là những trụ cột kinh tế về gia đình, bươn chải tay năm tay mười để nuôi con, chiều chồng, chăm lo cho gia đình.
Gần đây nhất, Trung tâm đang tư vấn cho một chị ở Bắc Giang. Chị lấy chồng hơn chục năm, có 2 đứa con nhỏ. Chồng bệnh tật nên hầu như chỉ ở nhà. Nhưng tiền kiếm được, chị đều phải giao hết về cho chồng, đến khi dùng việc gì thì lại ngửa tay xin. Chị kháng cự thì bị dọa đánh, dọa giết.
Khi được hỏi sao chồng đánh như thế mà vẫn chịu đựng, chị cúi đầu khóc không thành tiếng: “Bởi vì chồng tôi luôn ghi nhận sự hy sinh, chịu đựng của tôi”. “Đó là cái bẫy thân tình hoàn hảo, sự tôn vinh “khủng khiếp” dành cho chị em, buộc chị em vào những “vinh dự” đầy đau khổ” – bà Thúy cho biết.
TS Lê Thị Quý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và phát triển bức xúc: “Những khẩu hiệu ca ngợi phụ nữ đảm việc nước, giỏi việc nhà chính là gánh nặng. Một người có 24 giờ không thể có sức lực để cáng đáng hết bằng đó gánh nặng. Đồng thời các khẩu hiệu đó cũng nới rộng khoảng cách giữa nam và nữ, hình thành những định kiến xã hội, khiến họ không thể tìm kiếm sự giúp đỡ của người chồng trong việc chia sẻ gánh nặng gia đình”.
Tuy nhiên, TS Quý cũng cho rằng, nếu phụ nữ cứ tự mình ôm đồm công việc, hy sinh hết sức để cố gắng làm “vợ đảm, mẹ hiền, con dâu ngoan, nhân viên mẫn cán” mà không chia sẻ với người chồng trong gia đình thì không thể thay đổi được điều đó.
Hai vợ chồng cần phải cùng nhau thay đổi. Trước hết là cùng trò chuyện, cùng nhau điều chỉnh cái gì. Chứ nếu thay đổi đột ngột, bỗng nhiên yêu cầu chồng lau nhà, đi đổ rác, trong khi xưa nay anh ta chưa từng làm thì chắc chắn gia đình sẽ nổ ra một cuộc chiến. Người chồng thay đổi thì vợ cũng nên thay đổi, đón nhận sự chia sẻ của chồng, cho dù là vụng dại. Nhà văn Trang Hạ
Nếp sống cũ đã ăn sâu vào lối sống của người dân cần phải thay đổi. Thời nay, vợ chồng cần “chia sẻ từ thuở bơ vơ mới về”. Thực tế, nhờ tuyên truyền, ở xã tôi nhiều người chồng đã nhận thức được vai trò của mình, ngày 8.3 đã cùng tham gia nấu nướng hoặc tổ chức cho vợ con đi du lịch. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Du Lễ (Kiến Thụy, TP.Hải Phòng)
|