Dân Việt

Vinh danh đội tàu Đàn 19

Đức Tuấn 11/02/2014 07:10 GMT+7
Đàn 19 là tên gọi của đội tàu cá 15 chiếc tại huyện Đông Hòa (Phú Yên). Nghề biển giã luôn bấp bênh, vậy mà 200 ngư dân Đàn 19 lại hiếm khi thất bại…
19 là tần số đàm thoại ngắn mà ngư dân 2 xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) dùng từ những năm nghề lưới vây mới khởi đầu. Dần dà, tên gọi “Đàn 19” được đặt cho đội tàu này và trở thành thương hiệu tự hào của ngư dân nơi đây.

“Tiền hô, hậu ủng”


Ngư dân Huỳnh Tấn Anh - Trưởng Đàn 19 cho hay, 15 tàu trong nhóm có công suất từ 120 - 520 CV; trong đó, 10 chiếc chuyên nghề lưới vây, 5 chiếc làm dịch vụ tiếp ứng hậu cần và thu mua cá. Trên biển, giới trong nghề rất dễ nhận biết “quân” của Đàn 19, bởi 15 tàu của tập đoàn đều được sơn cùng màu nâu xám, thân dài từ 15 - 19m. Đây là những chiếc tàu lớn trong nghề lưới vây so với đồng nghiệp tại bến cá Phú Lạc (Hòa Hiệp Nam).

Đội tàu của Đàn 19 chuẩn bị chuyến mở biển đầu xuân Giáp Ngọ.
Đội tàu của Đàn 19 chuẩn bị chuyến mở biển đầu xuân Giáp Ngọ.

Sau mùng 5 tết, Đàn 19 đồng mở biển, tỏa đánh bắt khắp các vùng biển từ Quảng Ngãi - Bình Thuận. Khi một tàu phát hiện được cây (luồng) cá thì thông báo ngay với “đàn viên”. Tức tốc, 14 chiếc kia khẩn trương di chuyển tập trung đến để “đánh” trọng điểm. Tàu lưới vây cứ thế thả kéo cá, còn tàu hậu cần thì cập mạn chờ sẵn để chuyển ngay cá tươi vào bờ. “Đó là nguyên tắc phối hợp làm ăn, luôn được các thành viên tâm đắc tuân thủ.

Đàn 19 không bao giờ để tàu này đầy cá, tàu kia không có con nào. Nhờ vậy, sau 6 năm liên kết làm ăn, hầu hết các chuyến biển đều thắng vừa đến thắng to. Cao điểm mùa cá, tàu “đậu” ngư trường nguyên tháng để kéo lưới, các tàu hậu cần phải ra vào đến 20 chuyến để chuyển cá về bờ; mỗi hầm tàu đầy ứ từ 7 - 15 tấn cá” - thành viên Nguyễn Văn Bế tự hào.

Lối làm ăn này đã giúp từng tàu trong đàn giảm 50% phí tổn nhiên vật liệu. Nhờ “tiền hô, hậu ủng” như thế nên cá của Đàn 19 luôn về bờ sớm, giữ được độ tươi ngon, có quyền “ăn nói” với thương lái; đôi khi giá cao gấp đôi sản phẩm cùng loại. Mấy năm qua, mỗi chủ tàu trong đàn đều thu 2 - 4 tỷ đồng/năm, lao động đi bạn cũng kiếm được trên dưới 300 triệu đồng” – ông Anh cho biết.

Chiều sâu thương hiệu

Trung tá Trịnh Đình Bá - Trưởng đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam nhận xét: “Đàn 19 là mô hình liên kết hiệu quả hàng đầu trong ngư dân Phú Yên hiện nay. Chẳng những làm ăn giỏi, Đàn 19 còn góp phần đắc lực giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia trên biển”.

“Anh em trong Đàn 19 luôn trân trọng vun đắp thương hiệu của tập đoàn mình, nhờ vậy đã duy trì được uy tín trong giới lưới vây ở miền Trung. Dân biển luôn ủng hộ kiểu làm ăn công khai, tin cậy; điều này tạo sự đồng lòng, sức mạnh của Đàn 19. Không chỉ chuyện kinh tế, anh em trong đàn còn tương trợ nhau nhiều mặt trong cuộc sống gia đình” - ông Bế nói.

Mỗi khi có tàu bị nạn, cả đàn cùng trợ lực cứu giúp. “Ví như một tàu hư máy, đàn phân công 2 tàu thu mua lai dắt đưa về bờ sửa chữa. Tàu bị nạn vẫn nhận được một phần sản phẩm từ anh em trong đàn, thế nên tổn thất không đáng kể”– ông Biện Quang cho biết.

Vào mùa biển Giáp Ngọ, nhiều thành viên Đàn 19 luôn bày tỏ khao khát sắm tàu lớn để vươn khơi “cầm chắc” luồng cá trên Biển Đông. Năm 2013, chiếc tàu 520CV của ông Đào Chuối có công suất lớn nhất đàn; thế nhưng sang 2014, chiếc 730CV của ông Huỳnh Tấn Anh sắp đóng xong sẽ là tàu “đỉnh”. Trang bị trên tàu, ngoài giàn lưới còn có 9 loại máy móc, gồm máy đàm thoại ngắn, đàm thoại dài, máy định vị, máy quét, máy dò tìm luồng cá... cùng nhiều phương tiện khác hỗ trợ nghề lưới vây.