Đây là khẳng định của Bộ Công Thương tại cuộc họp về "thủy điện và cải cách thị trường điện tại Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội hôm 19.3.
Ám ảnh vì thủy điện...Ông Đỗ Đức Quân-Vụ trưởng Vụ Thủy điện- Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thừa nhận: Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ) thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất. Cụ thể, thủy điện đã chiếm dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; phần nào làm thu hẹp không gian sống, ảnh hưởng tới phong tục tập quán, văn hoá của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội… "Đây là những vấn đề lớn còn tồn tại và cần phải tiếp tục giải quyết, đặc biệt là tại các DATĐ vừa và lớn"-ông Quân nói.
Thời gian tới, việc rà soát các thủy điện gây hại sẽ được tiến hành khẩn trương (ảnh minh họa).
Một điều dễ nhận thấy nhất là mất rừng do làm thủy điện. TS Đào Trọng Hưng - thành viên VRN (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) ước tính, với 1MW thủy điện sản xuất ra, chúng ta có khoảng 16ha rừng bị mất. Đáng lưu ý là khu vực làm thủy điện gắn với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có đa dạng sinh học cao. Theo TS Hưng, phát triển thủy điện gây ảnh hưởng rất lớn đến bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay có 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia “cõng” 2,5 DATĐ.
Không những mất rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… thủy điện còn làm mất một diện tích đất canh tác khá lớn gồm đất trồng lúa nước, đất nương rẫy, cây công nghiệp, vườn nhà, đất màu ven sông…
Mặc khác, thủy điện cũng ảnh hưởng đến hệ thống sông ngòi như làm thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy các lưu vực sông, mất nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển ồ ạt thủy điện là tình trạng tái định cư đối với những người dân buộc phải di dời nhường đất lại cho công trình. GS-TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - nêu thực tế, hầu như các khu tái định cư của các thủy điện trên cả nước đến nay công tác tái định cư đều có vấn đề. Nhiều DATĐ đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng công tác tái định cư cho người dân vẫn chưa giải quyết xong. Và mới đây nhất là việc người dân Quảng Nam đã bị "bác" việc đền bù thiệt hại do thủy điện gây ra, bởi người dân không biết dựa vào đâu để "bắt tội" ông thủy điện...
Phải rà soát lại!Ông Lê Tấn Phong- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định: "Việt Nam là quốc gia thiếu nước, vì vậy việc xây dựng các hồ chứa lợi dụng tổng hợp, thủy điện kết hợp thủy lợi vẫn được ưu tiên phát triển". Để đảm bảo phát triển thủy điện một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường – xã hội, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành, các nhà máy thủy điện vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả phát điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du, cắt giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực đối với hạ du; nghiên cứu ban hành quy định về giám sát thực hiện công tác bảo vệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, quy định về dòng chảy tối thiểu ở hạ du các hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa kiệt trên các lưu vực sông...
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020; nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả và tối ưu vận hành của hệ thống.
|
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đang rà soát lại các DATĐ, từ quy hoạch đến xây dựng quy trình vận hành các đơn hồ và liên hồ chứa để đảm bảo mục đích phát điện và cắt lũ trong mùa mưa, cấp nước trong mùa khô. Khó nhất hiện nay, theo ông Phong là Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc kiểm soát an toàn hồ chứa và đập thủy điện. Thực tế đến bây giờ, Việt Nam cũng chưa có đánh giá cụ thể nào về tác động của thủy điện tới môi trường sinh thái, kinh tế-xã hội.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh quan điểm là phải kiên quyết tìm và có giải pháp căn cơ hơn có thể khắc phục cơ bản thiếu sót trong quá trình phát triển thủy điện. Nếu những công trình thủy điện thực hiện đồng bộ, hiệu quả kể cả về phát triển điện cũng như bảo đảm an toàn người dân và công trình thì nên làm. Bên cạnh đó, phải kiên quyết dừng, loại khỏi quy hoạch những công trình thủy điện không đạt hiệu quả kinh tế xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường, không bảo đảm an toàn cho người dân. Việc phát triển thủy điện phải làm sao không trở thành nỗi ám ảnh với người dân .
“Người dân thiệt hại thật” Trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN, ông Đỗ Đức Quân - Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng-Bộ Công Thương) Khẳng định: Bộ Công Thương đang rà soát lại các DATĐ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phát triển thủy điện không để ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường và ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống của người dân.
Việc mới đây người dân Quảng Nam bị từ chối bồi thường thiệt hại về lũ do thủy điện có phù hợp không, thưa ông?
- Người dân thiệt hại là có thật, chúng ta chia sẻ chuyện ấy nhưng thực tế khó có thể bồi thường được vì không thể xác định nguyên nhân là do thủy điện gây nên. Ở đây phải xem xét lại việc các nhà máy thủy điện đã xả lũ như thế nào thì mới có cơ sở để khẳng định. Nếu người ta xả thì xem lại người ta xả có đúng không hay xả sai.
Tại sao chúng ta không xây cột mốc báo lũ để giảm thiệt hại cho người dân, thưa ông?
- Trong chương trình của Chính phủ có vấn đề phòng chống lụt bão. Tư vấn đang tính toán trong trường hợp lũ to lũ bé, trường hợp vỡ đập, nước dâng đến đâu... Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện việc này.
Bất cập lớn nhất của quy trình xả lũ hiện nay, theo ông là gì?
- Quy trình xả lũ hiện nay phải thừa nhận chưa thể ổn tuyệt đối được, vẫn phải rà soát cái nào chưa hợp lý thì mình chỉnh. Tôi cho rằng khó nhất hiện nay là quy định thời gian xả lũ. Bởi nó liên quan đến công tác dự báo, có dự báo chính xác thì việc xả lũ mới vận hành chính xác được. Việc xả lũ phải đi theo dự báo nhưng dự báo chính xác hay không là câu chuyện khác.
Dù đã loại bỏ nhiều dự án nhưng với nhiều dự án thủy điện hiện nay người dân vẫn e ngại, kêu ca quá nhiều, ông nghĩ sao?
- Báo chí đang nói nhiều về mặt trái của thủy điện, nói vậy cũng không hết, mới chỉ một chiều. Tôi cho rằng, cái không được của thủy điện hiện nay sẽ phải chấn chỉnh, chủ đầu tư sai sẽ thu hồi dự án ngay. Rà soát cái nào ảnh hưởng về môi trường, không tốt phải bỏ. Hiện Chính phủ đang có nghị quyết để chấn chỉnh điều đó.
Xin cảm ơn ông! Mai Nguyễn (Thực hiện)
|