Lời ca khúc Chiếc áo bà ba của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gợi nhớ hình ảnh tự xa xưa:
"Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/ Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ/ Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời..."
Phải nói ngay rằng áo ba ba gắn liền với con người vùng đất Cửu Long giang này ngay từ những ngày đầu mở cõi. Đặc biệt, chiếc áo bà ba làm cho người phụ nữ miền Tây sông nước thêm duyên dáng, xinh tươi.
Soạn giả cải lương Thanh Bình viết Áo bà ba kỉ niệm ngày thu, danh ca Minh Cảnh thể hiện để rồi mấy chục năm qua cứ mỗi lần quây quần nhâm nhi vài ly rượu đế là người ta ngẫu hứng ca khan mấy câu vọng cổ:
"Anh về đây ngỡ ngàng bên lối nhỏ/ Ba mươi năm trời kỉ niệm vẫn không nguôi
Chiếc áo bà ba trao em giữa ngày vui/ Áo đã theo anh đi đuổi Tây, đánh Mỹ"
Đối với người Khmer thì chiếc áo bà ba còn quan trọng hơn. Mỗi khi đi lễ chùa, trang phục chính của cả nam lẫn nữ đều là áo bà ba, có điều chiếc khăn rằn được xếp ngay ngắn và vắt thõng trên vai. Lên chánh điện lạy Phật, chắp tay niệm kinh,… hay những khi thực hiện nghi lễ trong đám cưới, đám tang,… vẫn trang phục và hình ảnh như vậy, không thay đổi.
Không biết có phải vì chiếc áo bà ba gắn liền với ruộng vườn hay duyên cớ từ đâu mà áo bà ba được gắn cho nét đẹp quê mùa. Và cũng chính từ quan niệm ấy, nên khi nền kinh tế phát triển, cái nhìn thẩm mỹ cũng ít nhiều thay đổi, nói như nhà thơ Nguyễn Bính thì hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều. Và rồi, những kiểu áo kiểu, áo thun, áo sơ mi, … dần dần thay thế vị trí của áo bà ba.
Rồi đây, chiếc áo bà ba, dấu ấn trang phục và văn hóa một thời của vùng sông nước miền Tây sẽ chỉ còn lại trên sân khấu, phim ảnh hay trong những lần hội thi đờn ca tài tử. Thực tế, ít người bận, và rồi dần dần cũng ít đi người biết may áo bà ba.
Lặng nhìn, lắng lòng mà thương mà nhớ như một nét đẹp chỉ còn vang bóng như nhân vật trữ tình tương tư trong câu hò vọng về tận ngày xửa ngày xưa:
Em bận áo bà ba đen
Nước da em trắng
Đôi má ngấn đồng tiền
Đêm nằm anh thao thức
Năm canh liền nhớ em!