Vào tối qua, 8.3, hai tàu CSB 2001 và CSB 2002 của Cảnh sát biển vùng 4 đã tiếp cận được vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia, nơi nghi là máy bay Boeing B777-200ER bị mất tích.
Được biết, hai tàu này được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn và các thiết bị vật tư y tế hiện đại… Khi đến nơi, tàu CSB 2001 và CSB 2002 của Cảnh sát biển của vùng 4 đã triển khai các hoạt động tìm kiếm, sử dụng camera hồng ngoại và camera quan sát đêm trên vùng biển trong phạm vi hơn 130 km2 và tại khu vực phát hiện có vết dầu loang. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện được gì tại hai khu vực nói trên.
Trực thăng của Không quân Việt Nam tiếp nhiên liệu tại sân bay Cà Mau .
Sáng 9.3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Thanh Tâm – Giám đốc
cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cho biết: Sau khi nhận thông tin máy bay
của hãng hàng không Malaysia gặp nạn, phía sân bay Cần Thơ đã sẵn sàng ở
trong tư thế túc trực 24/24 nhằm hỗ trợ các đơn vị tìm kiếm cứu hộ cứu
nạn khi cần thiết đáp xuống sân bay Cần Thơ.
|
Còn tại Cà Mau, sau khi đáp xuống sân bay Cà Mau vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều ngày 8.3, hai chiếc máy bay Mi 17102 và Mi 17104 của không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917-Sư đoàn 370) đã tiếp nhiên liệu, họp khẩn cấp. Dự kiến hai máy bay này sẽ lên đường tìm kiếm may bay Malaysia Boeing B777-200 khi có lệnh vào sáng nay (9.3).
Điểm tìm kiếm thuộc khu vực cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km. Cách Mũi Cà Mau khoảng 250 km, trên vùng biển phía Tây Nam, nơi phát hiện vết dầu loang nghi là tung tích của máy bay Malaysia gặp nạn.
Hai máy bay của Không quân Việt Nam đã sẵn sàng.
Sáng ngày 9.3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Long Hoai – Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, lực lượng của đơn vị đã trực 24/24, tuy nhiên tính từ sáng ngày 8.3 đến hiện tại vẫn chưa nhận được thông tin báo về của đơn vị nào.
Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ đang được triển khai khẩn trương. Phóng viên báo
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất có liên quan đến vụ việc này.