Nhờ vốn Ngân hàng CSXH, mỗi năm anh Nguyễn Chí Thuần (phải) có doanh thu hàng trăm triệu đồng. |
Vốn đến đúng địa chỉ
“Chương Mỹ là một trong những huyện có diện tích khá rộng với 32 xã, trong đó nhiều xã vẫn còn khó khăn. Việc tư vấn các hộ sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, sinh lời là nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng CSXH, Hội ND và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác”- ông Nguyễn Hữu Tâm - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Chương Mỹ cho biết.
Ông Tâm phấn khởi nói: “Do đối tượng vay vốn ưu đãi không phải thế chấp tài sản, đây là thuận lợi, nhưng cũng là thách thức với Ngân hàng. Nhưng rất mừng, đa số các hộ đều sử dụng hiệu quả vốn vay”.
Anh Nguyễn Chí Thuần
Tính đến cuối năm 2010, tổng dư nợ của 20.091 hộ ND vay ngân hàng là 202,426 tỷ đồng. Trong đó, 9.858 hộ nghèo vay là 77,314 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 1.464 hộ, với số tiền 20,895 tỷ đồng; cho 16 hộ vay nuôi bò sinh sản là 3,503 triệu đồng.
Vốn ngân hàng đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nhờ phát triển trang trại, dịch vụ, ngành nghề thủ công…
Làm giàu
Gia đình anh Nguyễn Chí Thuần (xã Phúc Công) có 5 miệng ăn, chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, nghề phụ không có. Thu hoạch xong mùa vụ, hai vợ chồng anh lại lên Hà Nội làm thuê. Công việc của hai vợ chồng thất thường, lại xa nhà nên không có ai trông nom con cái.
Năm 2008, xã Phúc Công cho xã viên đấu thầu hơn 2ha đất ao đầm. Khu đất xấu, khó cải tạo nên không ai dám nhận. Anh Thuần đánh liều nhận thầu diện tích này. Thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của anh, Ngân hàng CSXH huyện đồng ý cho anh vay 50 triệu đồng. Có tiền, anh thuê máy xúc vượt đất làm ao nuôi cá. "Cùng với nuôi cá, tôi trồng đu đủ, nuôi gà, vịt.
Có tích lũy, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 3 lần tổng số tiền 250 triệu đồng, tôi tiếp tục mở rộng diện tích ao thả cá, xây trang trại để nuôi lợn. Với 1,8ha diện tích mặt hồ nuôi cá, mỗi năm thu khoảng 300 triệu đồng; không kể khoản thu từ lợn, gà, vịt khoảng hơn 100 triệu đồng" - anh Thuần cho biết. Ngoài lao động trong gia đình, trang trại của anh còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương.
Còn chị Lê Thị May (xã Trung Hòa), là một trong những gia đình nghèo nhất xã, nhà đông con nhưng cũng chỉ có 3 sào ruộng. Còng lưng lo bữa ăn hàng ngày còn chưa đủ, chứ nói gì đến chuyện làm giàu. Năm 2007, Ngân hàng CSXH huyện cho vay 15 triệu đồng chị đã đầu tư nuôi 30 con lợn, 400 gà, vịt. Sau một năm chị đã trả hết nợ, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, xây được nhà, mua sắm được nhiều đồ dùng có giá trị.
Năm 2007, anh Dương Nguyên Bình (xã Đại Yên) cũng được vay 200 triệu đồng, anh đã đầu tư vào phát triển trang trại lợn, gà kết hợp với nuôi cá. Đến nay không những trả hết nợ, mỗi năm còn mang về cho anh hơn 200 triệu đồng và tạo việc làm cho 6 lao động, với thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.
Gia đình anh Thuần, chị May, anh Bình... chỉ là một vài hộ trong số hàng nghìn hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho lao động địa phương từ đồng vốn của Ngân hàng CSXH.
Việt Tùng