Mở đầu bài viết đăng hôm qua, Politik-Express cho rằng: “Việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được một tờ báo điện tử có hàng triệu độc giả bình chọn là “Nhân vật của năm 2010” không hề nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia tại châu Á. Không chỉ giới truyền thông Việt Nam mà đối với người dân Việt Nam nói chung, Thủ tướng Dũng đang nhận được sự ủng hộ của cả quốc tế lẫn trong nước”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn kinh tế Thế giới đầu năm 2010. Ảnh: WEF. |
Trước đó, ngày 1-1, báo VnExpress công bố bình chọn nhân vật của năm của Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, công nhận rằng ông là người có nhiều ảnh hưởng nhất đối với đất nước trong năm qua. Đây là lần đầu tiên một người được báo chí Việt Nam bầu chọn là nhân vật của năm.
“Sự sáng suốt và chính sách có tầm nhìn xa của ông giành được thành công lớn trong nước và đạt được nhiều sự công nhận trong đời sống chính trị quốc tế”, trang tin của Đức bình luận. Nguồn tin này còn nhận xét Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua đã thành công trong các chính sách xã hội và đưa nền kinh tế đất nước hội nhập với nền kinh tế thị trường quốc tế, đồng thời đưa tiến trình cải cách dân chủ tiến lên.
Politik-Express cũng liệt kê một số thành tựu nổi bật có tác động lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bao gồm: Hội nhập nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với những cấu trúc của nền kinh tế thị trường; Sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Gia tăng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Cải cách nền hành chính; Đưa Việt Nam hội nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trang web của Đức còn nhấn mạnh việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy vai trò chèo lái vững chãi trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế đang diễn ra. Theo đó, với khoản vay 8 tỷ USD từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ông đã tạo cho nền kinh tế Việt Nam những cú hích lớn mang tính định hướng và thành công đã được chứng minh bằng tỷ lệ tăng trưởng nền kinh tế năm 2010 đạt 6,78%.
Ngoài kinh tế, Politik-Express còn đánh giá cao thành công của Thủ tướng Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao. Trang tin này lấy dẫn chứng là vai trò của ông khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN năm 2010 và góp phần quan trọng tìm ra giải pháp ngoại giao cho hàng loạt những bất đồng trong khu vực châu Á.
Để chứng minh cho luận điểm này, trang web của Đức dẫn lại lời bình luận trên nhật báo Thái Lan, The Nation, mới đây đánh giá về vai trò của Việt Nam khi làm chủ tịch ASEAN là “một bài học cho tất cả các nước ASEAN”.
Bên cạnh đó, trang tin của Đức cũng không quên nhắc đến những thách thức mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải giải quyết trong những năm sắp tới như các vấn đề môi trường hay tình trạng thiếu hụt điện năng không theo kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Politik-Express đánh giá người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết được những vấn đề này như ông đã chứng tỏ trong các chính sách đối nội và đối ngoại thời gian qua.
Không chỉ báo Đức, các hãng tin và báo chí thế giới, trong khi dồn dập đưa tin về Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng nhắc đến "nhân vật của năm" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với những đánh giá tích cực.
Hãng tin AFP mô tả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một người có nhiều kỳ vọng và rất am hiểu về báo chí truyền thông. Hãng này dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, ông Benoit de Treglode, bình luận tích cực về hình ảnh thủ tướng ở Việt Nam.
Việc ông Dũng lên nắm quyền năm 2006 "đặt dấu ấn tính cách cá nhân ở một nước vốn coi điều cốt yếu trong chính trị là xây dựng uy tín", de Treglode nhận xét. Ông Dũng nổi bật trên báo chí và đã cho thế giới thấy một hình ảnh tốt, nhà phân tích này nói thêm.
Tờ Financial Times trong bài viết ngày 10-1 cho hay các nhà ngoại giao và doanh nhân từng làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét rằng đây là một nhà lãnh đạo đầy tham vọng, hiểu rõ yêu cầu phải sắp xếp lại bộ máy hành chính quan liêu, chiến đấu chống nạn tham nhũng và tiếp tục cải cách kinh tế.