Tiếp cận… roi điệnSáng nọ, một người quen gọi, đòi gặp phóng viên NTNN có việc gấp. Bước vào nơi hẹn, tôi chột dạ khi thấy những người đợi mình là một nhóm lạ mặt, khả nghi với râu quai nón, gương mặt phong trần cứ như mới từ rừng sâu về. Đó là những người đưa đơn tố cáo công an “ăn chặn” kỳ nam của phu trầm ở cửa rừng Gộp Ngà (xã Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa) và NTNN là tờ báo đầu tiên họ chọn.
PV Mai Khuê lội rừng đến bãi đào trầm tại cửa rừng Gộp Ngà (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa).
Đường lên bãi trầm ở cửa rừng Gộp Ngà xa vời vợi với vách đá và đường dốc trơn trượt. Một cán bộ đội liên ngành đi cùng nhóm phóng viên hổn hển nói: “Không ngờ phóng viên leo núi khỏe hơn cả bộ đội”. Tới điểm chốt chặn của đội liên ngành, anh ta nằm vật ra đòi nước, nằm dõi mắt theo phóng viên vẫn bền bỉ leo tiếp vào tận bãi đào trầm.
Nội dung tố cáo của phu trầm rằng: Công an đã “lừa”, cho phép các bầu tổ chức đào tìm trầm, nộp lại cho công an rồi ăn chia tỷ lệ 5/5. Trong đêm, hàng trăm phu trầm ghi danh rồi ào vào bãi trầm và đào được 4 khúc được cho là kỳ nam trị giá trên 10 tỷ đồng, nộp lại cho một nhóm công an như thỏa thuận. Nhưng rốt cuộc, chẳng ai trong hơn 300 bầu, phu đào trầm nhận được đồng tiền nào... Nhằm xác minh đơn tố cáo này, chúng tôi đã phải theo chân các phu trầm tìm đến nhà một đối tượng tên Nam- một trong những người đã câu kết với công an trong vụ này.
Phu trầm đi trước, tôi và một đồng nghiệp nam khác “bọc lót” sau lưng ông. “Chú đến muốn hỏi con coi sao ai cũng được chia tiền mà chú không được cắc nào, coi có bỏ lọt tên chú trong sổ không…?” - Nam không để ông già kịp bước vào phòng khách đã lớn tiếng quát nạt rồi vớ ngay cây roi điện lao vào 3 chúng tôi. Tiếng roi điện kêu rẹc rẹc lẫn trong tiếng quát tháo của Nam: “…Ăn chia xong hết rồi, vào đây đòi gì nữa, ra khỏi nhà tao ngay, đứa nào vào đây tao giết…”. Cả nhóm chúng tôi chạy vội ra đường khi roi điện vẫn rẹc rẹc gí ngay sát lưng. Máy ghi âm vẫn đang chạy, nhóm phóng viên chờ ngoài cổng cũng đã kịp bấm máy quay cảnh tiếp cận... roi điện của chúng tôi.
Khánh Sơn là một huyện miền núi, cách TP. Nha Trang hơn 100km, chỉ có một con đường đèo độc đạo cao hun hút… Đi sớm, về hôm trong mùa mưa lạnh, không phải chúng tôi không có chút nào nao núng trước nỗi lo bị chặn đường trả thù. Nhưng chúng tôi vẫn bền bỉ bám trụ, đi - về thu thập, xác minh kỹ lưỡng, đăng tải từng bản tin, đến cuối tháng 11.2013, Cơ quan CSĐT đã có kết luận điều tra vụ “ăn chặn kỳ nam”, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị khởi tố 5 bị can, trong đó có nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn Nguyễn Thành Trung vì tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"; nguyên Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Khánh Sơn Nguyễn Hồng Hà; nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Vũ Anh Trung và nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp huyện Khánh Sơn Trần Lệ Kiên đều bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Và người đã “đón tiếp” phóng viên với cây roi điện là Luân Văn Nam (trú thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) cũng bị đề nghị truy tố với vai trò đồng phạm.
Ngựa sắt, mảng chuối và thuyền phaoNgay từ ngày đầu quân cho NTNN, Khánh Hòa- địa bàn tôi được giao thường trú gặp cơn lụt lịch sử, nước mênh mông tràn ngập cả thành phố du lịch Nha Trang. Nhận được tin hồ thủy lợi xả lũ là một trong những nguyên nhân chính gây lụt lớn bất ngờ, bằng mọi giá chúng tôi phải đến được vùng rốn lũ ở huyện Diên Khánh. Mọi con đường chính vào rốn lũ, nơi hứng chịu đầu tiên và nặng nề nhất mỗi lần hồ thủy lợi xả lũ, đã được lập chốt chặn cấm đi lại, chúng tôi phải chọn đường tắt, đường làng.
Làm phóng viên thường trú, nhiều khi tôi ví mình như cái ăng - ten bắt tin, mảng đề tài nào cũng làm, ngóc ngách nào cũng xông pha và phương tiện hữu hiệu nhất đó là chiếc xe máy.
|
Có những đoạn đường nước ngập đến quá lưng người, may mắn là chiếc xe máy được người dân giúp cho lên mảng chuối. Cứ thế, đu theo chiếc mảng chuối, tôi đã lội khắp vùng lũ để chứng kiến cảnh khốn cùng của người dân chạy lụt. Chiều tối, hồ lại xả lũ, nước trên đường lên cao cả mét, chúng tôi phải tá túc trong trụ sở UBND phường, dùng cơm với cá ruộng được chài lưới ngay trước sân ủy ban, rồi tiếp tục tác nghiệp và cùng dân cầu cho nước nhanh rút. Đêm khuya, việc đã xong, bài - ảnh đã gửi, nước cũng đã rút bớt, quần áo cũng đã khô ấm nhưng ở nhà con cái đang chờ nên chúng tôi lại phải lội nước về với gia đình trong cái lạnh thấu xương sau một ngày dài ngâm nước.
Làm phóng viên thường trú, nhiều khi tôi ví mình như cái ăng - ten bắt tin, mảng đề tài nào cũng làm, ngóc ngách nào cũng xông pha và phương tiện hữu hiệu nhất đó là chiếc xe máy. Có những lúc “ngựa sắt” bị thúc lao như bay lên đèo Hòn Giao (tuyến đường Khánh Lê – Lâm Đồng, thuộc huyện Khánh Vĩnh) để kịp làm tin - ảnh về tai nạn thảm khốc. Có những khi thúc “ngựa” gầm gào leo đèo cao, vắng vẻ, hiểm trở lên tận thượng nguồn để tác nghiệp tại công trình thủy điện “treo” Sông Giang. Gặp khi nước lớn, “ngựa sắt” của tôi lại được lên thuyền, lên đò, lên xe tải… để được tiếp tục cùng tôi bằng mọi giá tiếp cận mục tiêu. Ví như chuyến tiếp cận vùng bị lũ cô lập 16 ngày liên tục tại hai xã Thành Sơn, Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn), con “ngựa sắt” trung thành của tôi đã được vinh dự leo lên thuyền phao có một không hai của bà con dân tộc tự chế bằng ruột lốp xe ô tô… Và đó luôn là những kỷ niệm đẹp không thể quên.