Xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) vừa nhận 3 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho 93 hộ dân. Trong số đó có 26 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, còn lại là những hộ chính sách, trẻ em mồ côi, người có công với cách mạng, các hộ khó khăn.
Hộ bà Kpá Thư (có 5 nhân khẩ, ở thôn Tân Hiên) vừa nhận 75kg gạo: “Tôi góa bụa phải nuôi 4 con còn nhỏ. Nhà có ít đất rẫy trồng sắn nhưng thu ít lắm”, bà Kpá Thư nói. Tại thôn Tân Lập, xã Suối Bạc (Sơn Hòa), hộ bà Mó Cực (có 4 nhân khẩu) vừa nhận 60kg gạo cứu trợ giáp hạt. “Tôi gần 70 tuổi vẫn phải kiếm sống nuôi cháu mồ côi. Nếu không có gạo cứu trợ của Nhà nước vừa rồi thì gia đình tôi không biết lấy thứ gì bỏ bụng”- bà Mó Cực cho hay.
Ông Sô Minh Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phước, phân tích: “Đói giáp hạt thường rơi vào nhà người già yếu, neo đơn, đông con…Nhưng vẫn có một số người ham rượu chè, lười lao động nên chỉ trông chờ vào gạo cứu đói”. Tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, Phú Yên), phóng viên NTNN đến nhà ông Mang Đạt (39 tuổi) - hộ thường xuyên được cứu đói giáp hạt. Giữa mùa thu hoạch mía nhưng Mang Đạt không đi làm, vì “tối qua nhậu, giờ mệt quá”. Hỏi ông có vay vốn làm ăn không, thì được trả lời “chỉ nhận tiền, gạo cho thôi. Không biết làm gì để trả nợ đâu!”.
Ông Mang Hận - cán bộ thôn cho biết, Mang Đạt thường uống rượu, ít đi làm; lâu lâu lại cho con đi ăn xin. Trong diện xét cứu trợ đói giáp hạt, hộ Mang Đạt luôn được ưu tiên... Ông Ma Nghĩa - già làng thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ, Đồng Xuân) nói: “Nhiều người ở đây nghèo khổ là do không chịu thay đổi cung cách làm ăn. Lúa, bắp thì cứ giao hết cho trời, có chút gì thì ăn cho hết. Đã vậy, lại còn thích chè chén say sưa. Vì thế càng cứu trợ họ càng ỷ lại”.