Đưa “tí phố” lên rừngCon đường qua thôn La Lay, xã A Ngo (huyện Đăk Rông, tỉnh Quảng Trị) dẫn sang nước bạn Lào lượn quanh theo sườn núi. Giữa xung quanh núi rừng đen kịt, hiện lên thấp thoáng những đốm sáng như những vì sao, đó chính là ánh sáng từ bóng đèn điện tỏa ra trong những ngôi nhà ở La Lay.
Thượng úy Đặng Trung Thành tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó.
Trò chuyện với phóng viên, Thượng úy Đặng Trung Thành - Trạm phó Trạm Kiểm soát biên phòng La Lay cho biết: Cùng với nhiều đơn vị, Bộ đội Biên phòng La Lay cũng bắt tay cùng bà con triển khai xây dựng NTM. Chúng tôi luôn băn khoăn tự hỏi: Cần làm gì để miền rừng núi nghèo khó này có NTM? NTM là gì, đồng bào không nhớ hết các tiêu chí đâu. Với họ, điều quan trọng trước mắt chính là “có cơm no, áo ấm, ánh sáng cho làng, chữ cho con cháu”. Và vì thế, NTM ở La Lay được bắt đầu bằng việc đưa “tí phố” lên rừng…
Ngay sau đó, 50 bóng đèn được các chiến sĩ biên phòng thắp dọc đường đi, tiền điện hàng tháng được trạm hỗ trợ. Có “ông mặt trời” đêm rồi, anh em biên phòng tiếp tục khởi xướng xây dựng công trình nước sạch. “Bà con phải mua bồn về trữ nước, nước lắng xuống thì nấu ăn mới sạch sẽ, không bị mắc bệnh” - Thiếu tá Trần Ngọc Quang- Đội phó vận động quần chúng thuyết phục bà con như vậy trong một cuộc họp dân.
Rồi trong một cuộc họp khác, cán bộ biên phòng lại “đề nghị bà con mua bàn hoặc đóng bàn cho con em ngồi học”. Vì khi “3 cùng” với đồng bào, thấy các em ngồi gập người trên sàn nhà để viết bài dưới ánh đèn tù mù, cán bộ Quang thấy không đành lòng. Vậy là các hộ gia đình lần lượt đóng bàn cho con em, đi đến đâu cũng nghe đồng bào nhắc nhau: NTM là chăm lo cho con em có chỗ ngồi, không phải bò trên sàn để học cái chữ…
Bao bọc người nghèoCó ánh sáng rồi, Bộ đội Biên phòng La Lay tiếp tục giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, bởi NTM thì cái bụng đồng bào phải no, áo mặc phải ấm... Vậy là cả làng nhất trí khởi động chủ trương này bằng việc giúp đỡ gia đình ông Hồ Văn Linh. Ông Hồ Văn Linh (sinh năm 1941), bị mù lòa, sống cô độc, nghễnh ngãng như con nai già nua. Buổi sáng hôm đó, cả làng kéo đến dựng nhà cho ông Linh, Đồn biên phòng cho tôn, xi măng, còn đồng bào phân công nhau đi chặt tre, đan nứa, làm vách… Ngôi nhà được dựng lên nhanh chóng, vừa vững chãi, vừa ấm cúng. Già Linh tật nguyền sờ soạng khắp nhà, rơi nước mắt vì xúc động...
"NTM là gì, đồng bào không nhớ hết các tiêu chí đâu. Với họ, điều quan trọng trước mắt chính là có cơm no, áo ấm, ánh sáng cho làng, chữ cho con cháu”.
Thượng úy Đặng Trung Thành
|
Ngày bàn giao nhà, dân làng cùng bộ đội biên phòng rủ nhau đến chia vui, khắp nơi chộn rộn tiếng cười. Chi cục hải quan địa phương cũng gửi tặng già Linh quạt điện, chiếu; kiểm dịch y tế tặng xô, chậu, bát chén…; Đoàn thanh niên thôn phân công nhau hàng ngày đến gánh nước đổ vào chum giúp già Linh. Dân làng phấn khởi bảo nhau: Giúp người chính là làm NTM.
Thượng úy Đặng Trung Thành cho biết: Hiện nay trạm kiểm soát biên phòng đang đỡ đầu cho 7 gia đình đặc biệt khó khăn tại La Lay và 3 gia đình đang sống bên Lào. Năm 2013, trạm đã hỗ trợ cho các gia đình khó khăn gần 1 tấn gạo, 300kg muối, giúp bà con cây giống cà phê, ngô, tràm, sắn… để trồng trọt, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, trạm đang đỡ đầu cho 3 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là Hồ Thị Thủy, Hồ Thị Thơn và Hồ Văn Quý cho đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học.
Thượng úy Thành nói thêm: Xây dựng NTM ở La Lay có nhiều điều khác biệt so với các vùng khác, trong đó có nội dung “xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt – Lào”. Trước đây gia đình ông Huỳnh Thới bên Lào bị hỏa hoạn, biết tin 70 người dân bản La Lay đã sang giúp làm nhà, ông Hồ Văn Môn còn mang cho ông Thới 50kg gạo, ông Hồ Quyên cho cái avin cào cỏ; ông Hồ Văn Thủy - Trưởng thôn và nhiều người qua giúp công, cho dao rựa, nồi niêu, chậu…
Toàn thôn La Lay hiện đã thành lập 6 mô hình liên kết chăn nuôi tại khu vực cây số 9, trong đó có 3 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình trồng rừng. Toàn xã A Ngo cũng đã có 2 trường mẫu giáo cho con em vùng biên học hành thuận lợi. Ông Hồ Văn Thủy – Trưởng thôn đã 2 lần tự nguyện hiến đất, trị giá 300 triệu đồng để xây trường mẫu giáo. Ông Thủy thật thà bảo: “Nhà mình vẫn còn nghèo, nhưng con cháu thì không thể thiếu cái chữ, phải học giỏi như người miền xuôi”.