Mỏi mắt tìm giống tốtTrong những năm gần đây, với các tiến bộ kỹ thuật nhất là giống đưa vào nước ta ngày càng nhiều, thế nhưng tỷ lệ ứng dụng sản xuất trên đồng ruộng lại không đáng là bao. Có thể kể đến như trên đồng ruộng các tỉnh Bắc Bộ vẫn là những giống đã trồng từ hàng chục, thậm chí 15-20 năm nay như khang dân, Q 5, tạp giao, gần đây có xuất hiện một số giống mới được trồng trên diện tích lớn nhưng chủ yếu là của các doanh nghiệp như BC15, RVT…
Còn ở đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa của cả nước bà con vẫn chủ yếu trồng giống lúa chất lượng thấp IR50404, diện tích trồng các giống chất lượng cao như OM6972, Jasmine không đáng kể.
Khu vực nghiên cứu ngô của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội.
Chị Hoàng Thị Hiền, nông dân xã Ân Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) vốn trồng lúa đã hơn 20 năm nay. Trước đây, nhà chị thường cấy giống ải 32, tạp giao, năng suất bình quân từ 2-2,5 tạ/sào, tuy nhiên chất lượng gạo 2 giống này kém nên lúa bán không được giá. Khoảng chục năm gần đây, nhà chị chuyển sang cấy giống bắc thơm 7 và nếp tạp giao (cùng có nguồn gốc từ Trung Quốc).
“Mấy năm đầu, năng suất lúa đạt 1,9-2 tạ/sào, nhưng vài vụ gần đây thì chỉ còn 1,3-1,7 tạ/sào, nếu thời tiết không thuận lợi, có khi chỉ thu được 1 tạ lúa. Trong khi đó, chúng tôi phải dùng nhiều phân bón hơn, sâu bệnh cũng liên miên nên càng phải tăng lượng thuốc trừ sâu, đặc biệt là 2 giống này không chịu được rét, dễ nhiễm rầy và khô vằn” – chị Hiền cho hay.
Hỏi tại sao không chuyển sang cấy lúa lai, chị Hiền nói: “Giống lúa lai đắt lắm, 70.000 - 80.000 đồng/kg, trong khi bắc thơm 7 chỉ 15.000 – 21.000 đồng/kg; nếp tạp giao 16.000 – 17.000 đồng/kg. Hơn nữa giống lúa lai ít nơi bán nên khó mua, đặc biệt là chất lượng gạo thua xa bắc thơm 7”. Nhiều nông dân ở đây cũng cho biết, không phải họ không muốn trồng các giống lúa có năng suất, chất lượng, mà vấn đề nằm ở chỗ, không biết tìm những giống đó ở đâu, nên đành phải cấy giống cũ.
Theo ông Trần Đình Toàn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, một số giống có thể đã bị thoái hóa, nhưng nông dân vẫn thích cấy vì không tìm được giống khá hơn. Như Ninh Bình, trong vụ xuân 2014 toàn tỉnh gieo cấy 41.000ha lúa, trong đó giống phổ biến nhất vẫn là bắc thơm 7 và LT2 (được chọn lọc từ KD90 của Trung Quốc, nhập vào Việt Nam năm 1993), diện tích lúa lai chỉ khoảng 20 – 30%”.
Theo Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, cả nước hiện có 600.000 - 700.000ha lúa lai, nhưng có đến 70-80% diện tích sử dụng giống nhập khẩu, chủ yếu là mua từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan... Trung bình lượng lúa lai nhập khẩu của Việt Nam vào khoảng 13.000 - 15.000 tấn/năm, trị giá trên 40 triệu USD.
Ông Hà Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia cho biết: “Hiện nay trong nước có 2 nguồn giống, một là từ các viện nghiên cứu. Các viện thường tạo giống bằng công nghệ truyền thống hoặc hoặc nhập giống từ nước ngoài về rồi chọn tạo. Nguồn thứ 2 là từ các doanh nghiệp, cá nhân và cũng tạo giống như các viện, song giống chủ lực hiện nay vẫn là nhập của nước ngoài về rồi chọn tạo, trong đó lúa nhập nhiều nhất từ Trung Quốc, Viện Lúa quốc tế (IRRI); giống ngô nhập từ Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan…”.
Theo thống kê của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trong 10 giống lúa chủ lực ở phía Nam (diện tích cấy nhiều nhất hiện nay) thì số 1 vẫn là giống IR50404 – nguồn gốc từ IRRI, nhập vào Việt Nam từ đầu năm 1990; còn ở phía Bắc, 3 giống phổ quát nhất đều là của Trung Quốc. Theo lý giải của một số nhà khoa học là do miền Bắc gần Trung Quốc nên người dân… thích dùng giống của họ hơn.
Còn theo một báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), do khả năng tự sản xuất hạt lúa lai tại Việt Nam chỉ đạt 3.500 - 4.000 tấn/năm (đáp ứng 24% nhu cầu) nên mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 13.000 tấn hạt giống lúa lai. Ngay cả nguồn giống bố mẹ để sản xuất ra hạt lúa lai, nước ta cũng không chủ động được mà vẫn phải nhập từ Trung Quốc.
Giống nội khó “sống”Một báo cáo của Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho thấy, riêng năm 2013, Bộ đã công nhận 47 giống cây trồng mới, trong đó có 15 giống cây trồng chính thức (8 giống lúa, 2 giống ngô, 2 giống lạc, 2 giống mía, 1 giống quýt). Thế nhưng, chẳng mấy giống trên “sống” được trên đồng ruộng.
PGS-TS Tạ Minh Sơn - nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khâu nghiên cứu của chúng ta hiện nay đang có vấn đề, đó là điểm đến chưa đúng mục đích, nghiên cứu vẫn mang tính chất bao cấp, chưa tính đến hiệu quả, nhất là tâm huyết của nhà khoa học không cao. “Mình vẫn nghiên cứu ra nhiều, song vấn đề là nghiên cứu ra nhưng không đưa được vào sản xuất. Bản chất của giống là càng đơn giản, càng dễ vào, trong đó giống phải đảm bảo được 3 đặc tính căn bản là dễ tính, thích ứng rộng và thời gian sinh trưởng ngắn”- ông Sơn nói.
"Trên thực tế, đội ngũ nghiên cứu khoa học hiện không đồng đều, những người già có kinh nghiệm thì lại về hưu, người trẻ thì không thực tế với sản xuất, họ chỉ lo “làm ăn” trên đề tài đã trúng thầu”. PGS-TS Tạ Minh Sơn
|
Tương tự giống lúa, tuy là loại cây lương thực quan trọng thứ hai và có diện tích lớn thứ 2 ở nước ta với khoảng 1,2 triệu ha, sản lượng 5 triệu tấn/năm, song công tác nghiên cứu giống hiện cũng có vấn đề. Thực tế, ngô là mảng bán được nhiều bản quyền giống nhất với khoảng 10 giống ngô, tổng trị giá chuyển nhượng trên 30 tỷ đồng (trung bình hơn 3 tỷ đồng/bản quyền giống), nhưng nếu xét ở góc độ thương mại thì cây ngô cũng không khá hơn cây lúa.
TS Đặng Ngọc Hạ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô cho biết: “Trung bình mỗi năm cả nước cần khoảng 20.000 tấn ngô giống, trong đó Viện Nghiên cứu ngô (tính cả sản xuất, kinh doanh, bán bản quyền, hợp đồng với các doanh nghiệp) cũng chỉ cung cấp được khoảng 30% lượng giống; 70% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
“Nếu so sánh với các tập đoàn lớn về giống trên thế giới, “cuộc chơi” của các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu giống ngô ở nước ta đúng là không cân sức. Làm sao chúng ta có thể “bao” hết được sản lượng giống cho diện tích ngô của cả nước, khi các công ty giống nước ngoài có tiềm lực hơn về vốn, bề dày kinh nghiệm cũng như nhạy bén, chuyên nghiệp hơn trên thị trường, và khi chuyển giao, họ luôn vượt xa chúng ta” – TS Hạ nói.
Dù nói như vậy, song trên thực tế việc ngành nghiên cứu giống ngô nước ta ngày càng đuối sức chủ yếu là do “tự chặt chân” nhau. Điều này thể hiện ở chỗ, các viện của chúng ta hiện nghiên cứu giống chủ yếu dưới dạng “đấu thầu” đề tài để lấy kinh phí về nuôi sống bộ máy, còn có ra cái gì không thì ít người quan tâm. Và đến khi nghiệm thu đề tài, vì nể nang, nhiều đề tài được chấm “xuất sắc” rồi bỏ vào… tủ.