Sáng nay (13.4), ngư dân Trương Minh Kỳ lai dắt xác cá voi dài 12 mét từ vùng biển Trường Sa về huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) an táng.
Ngày 10.4, trong lúc lặn ở vùng biển Trường Sa, thuyền trưởng Trương Minh Kỳ (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) phát hiện xác cá voi chết trôi dạt nổi trên mặt nước. "Thoạt nhìn từ xa, anh em ngư dân ngỡ con bạch tuộc khổng lồ đang bơi trên biển nhưng khi đưa tàu cá lại gần thì là cá voi nhám trắng. Chúng tôi quyết định bỏ ngang chuyến biển, dùng dây thừng, quấn bạt lai dắt xác cá về quê ở đảo Lý Sơn an táng", ông Kỳ kể lại.
Xác cá voi dài hơn 12 m, nặng 6 tấn đã được tàu cá của ông Kỳ đã lai dắt về đến vũng neo đậu cảng Lý Sơn sáng 13.4 để đưa lên bờ an táng theo nghi thức tín ngưỡng của ngư dân miền biển đảo.
Ông Dương Minh Nhựt, Phó chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, do trọng lượng cá voi đến 6 tấn nên phải nhờ một doanh nghiệp đang nạo vét dùng cẩu chuyên dụng đưa xác cá voi từ dưới biển lên bờ. Các bô lão đình làng An Hải cho rằng, cá ông này đã xưng tước là "Đại tướng Huỳnh long hải" - vị thần lớn của biển cả nên các tộc họ ở đảo Lý Sơn tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc dâng hương hoa cùng lễ vật tế lễ "ngài cá" linh thiêng.
Theo ông Nhựt, sau 5 năm, các tộc họ ở xã An Hải sẽ khai quật đưa bộ xương cá voi vào đình làng để thờ cúng.
Các bô lão thực hiện nghi thức tế lễ an táng cá voi. Theo tín ngưỡng của ngư dân miền biển đảo Lý Sơn, loài cá voi như vị thần hộ mệnh cho mỗi chuyến ra khơi.
Những bộ xương cá voi khổng lồ được bảo quản ở các đình làng, lăng miếu huyện đảo Lý Sơn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân đảo còn truyền tụng câu ca tri ân loài cá ông cứu người: "Lăng Ông thánh độ vững như sơn / Yếu điểm trung tâm nghĩa với nhơn (nhân) / Một dạ tu bồi hằng giữ pháp / Hai tay đắp lũy để đền ơn".
Huyện đảo Lý Sơn có hàng chục lăng thờ cá Ông, trong đó lăng Tân (còn gọi là Sở Đại Dương) ở thôn Đông, xã An Vĩnh là nơi thờ nhiều bộ xương cá voi có niên đại hơn 200 năm và lớn nhất trên đảo.
Huyện đảo Lý Sơn có hàng chục lăng thờ cá Ông, trong đó lăng Tân (còn gọi là Sở Đại Dương) ở thôn Đông, xã An Vĩnh là nơi thờ nhiều bộ xương cá voi có niên đại hơn 200 năm và lớn nhất trên đảo.
TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhận định, huyện đảo Lý Sơn hiện là nơi lưu giữ xương cá voi vào loại nhiều nhất nước. Hàng chục lăng trên đảo đang thờ tự loài cá này theo nghi thức tín ngưỡng dân gian miền biển được xếp hạng di tích lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh. "Xâu chuỗi lại có thể xem đây là bảo tàng xương cá voi độc đáo gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ hàng trăm năm qua", ông Vũ nói.