Ảnh minh họa |
Câu chuyện hy hữu nhưng có thật của một cặp vợ chồng nông dân tại một làng quê vùng chiêm trũng Hà Nam. 13 năm trời, hai vợ chồng “lén lút” đưa nhau đi chữa vô sinh nhưng vẫn “không có thuốc giải”.
13 năm trước, anh X. và chị Y. kết hôn. Theo đúng "lịch trình”, 9 tháng 10 ngày sau, đứa con đầu lòng chào đời.
Hai vợ chồng lên kế hoạch đợi cháu lớn vào lớp 1 sẽ sinh thêm em bé, rồi sau đó sẽ tập trung làm ăn kinh tế, xây đắp gia đình nhỏ. Thế nhưng, “kế hoạch lần 2” không theo ý muốn. Dù hai vợ chồng có cố gắng mà vẫn không có kết quả.
Lo lắng đến phiền muộn, phần lại sợ điều tiếng khi làng xóm biết chuyện hai vợ chồng bị “điếc”, dù lỗi thuộc về ai, nhưng cũng là điều không hay hớm gì cả.
Chính vì điều đó, hai vợ chồng âm thầm đưa nhau đi chữa vô sinh hơn chục năm trời. Nghe hóng chỗ nào có thầy, có thuốc, anh lại đưa chị tới. Thế nhưng, uống bao nhiêu thuốc, tốn bao nhiêu tiền bạc, thời gian… mà vẫn không mang lại kết quả.
Cho đến cuối năm ngoái, chị Y. đi chụp chiếu tại một bệnh viện phụ sản, kết quả chụp phim cho thấy chị đã được… đặt vòng.
Đến lúc đó, anh chị mới hay, hơn chục năm trước tại xã mình có chiến dịch “Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”. Vợ anh X. đã được cán bộ dân số… đặt vòng mà không biết.
Sau khi được bác sỹ tháo vòng, cháu thứ hai của anh chị đã nhanh chóng chào đời. Đến lúc đó, anh X. mới dám thổ lổ hành trình khổ sở 13 năm trời hai vợ chồng đưa nhau đi chữa… vô sinh.
* Cũng câu chuyện vui về “Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”, tại làng B. (thuộc một huyện của tỉnh Thái Bình, gia đình ông Bền khi đó đã có với nhau ba mặt con. Cô con lớn đã lấy chồng và có con, đứa út cũng mấp mé tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.
Vì điều kiện kinh tế khó khăn, khi đó, chính sách Dân số - KHH gia đình có chế độ “khuyến mại” một… tạ thóc cho các lang quân “hy sinh” để giảm tỷ lệ gia tăng dân số ở thời điểm quá cao lúc bấy giờ, ông Bền đã chấp nhận đổi lấy tạ thóc về nuôi vợ con.
Dù lúc đi ông Bền giấu giếm, các cán bộ DS-KHH bấy giờ cũng cam kết giữ bí mật cá nhân, nhưng đến khi ông mang một tạ thóc từ UB xã về thì không sao giấu được làng xóm.
Trở lại câu chuyện của vợ chồng anh X, chị Y, dù đó là “sự cố ngoài ý muốn” nhưng khi cháu thứ 2 chào đời bụ bẫm, mạnh khỏe, chẳng nói thì ai cũng biết niềm hạnh phúc khôn xiết của anh chị, không chỉ vì thêm thành viên mới, mà còn được cởi tiếng “oan” là bị… vô sinh.
Một cán bộ y tế cấp xã đã nghỉ hưu chia sẻ: thời điểm ông còn đảm nhiệm chức vụ trạm trưởng trạm y tế xã, giai đoạn những năm 90 về trước, những câu chuyện “cười ra nước mắt” về dân số - kế hoạch hóa gia đình có thể viết thành chương hồi các tiểu phẩm… cười. “Tuy nhiên, nhờ có chiến dịch đó mà tỷ lệ gia tăng dân số đã được giảm đáng kể” – ông này chia sẻ.