Có thể, hôm nay 1.4.2014, lần đầu tiên câu chuyện các thương lái Trung Quốc tung hoành khắp đất nước thu mua những “quái dị”, “không thể hiểu nổi” sẽ được đặt trên bàn nghị sự khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có đến 2 tháng chuẩn bị để giải trình việc xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông lâm thủy sản gây rối loạn thị trường, có lẽ không ngẫu nhiên, chỉ ngay tuần trước, Bộ Công Thương bất ngờ “lên tiếng”.
Đó là khẳng định việc thương lái mua tôm sú, tôm chân trắng tại một số địa phương “một cách bất thường”; làm ảnh hưởng tới sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho người sản xuất, hộ nuôi trồng trong nước.
Đó là việc thương lái mua lá khoai lang, với “số lượng không giới hạn”, và đã “tuyên truyền, phổ biến pháp luật về những tác hại của việc bán lá khoai lang non, do đó người nông dân đã không tổ chức mua bán với thương lái người Trung Quốc”.
Tức là Bộ cũng có làm, có quan tâm, quan tâm từ cái chân con tôm với hậu họa ở thì tương lai cho đến cái lá non khoai lang nói “chỉ dùng làm phân hoặc đồ ăn cho heo” cũng đúng mà bảo sau nó là nguy cơ mất trắng cả mùa vụ khoai lang cũng không sai. Nhưng còn biết bao nhiêu câu hỏi cần được trả lời một cách cặn kẽ cho dư luận.
Đằng sau việc mua vét “một cách bất thường” đó là cái gì.
Tại sao giữa năm 2011, thương nhân Trung Quốc thuê hàng chục ha ở Vĩnh Long để “trồng khoai lang” trong khi đến giờ thì lại thu mua lá khoai lang non với “số lượng không giới hạn” để phá hoại chắc cũng “không giới hạn” mùa vụ?
Họ mua để làm gì toàn những thứ oái oăm: Nào là móng trâu, rễ hồi, thớt nghiến. Nào là… cáp quang, lá điều, thậm chí cả đỉa?
Tại sao, theo Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung Quốc chỉ “thu mua ồ ạt nông sản giá cao với mục đích không rõ ràng” không hề có ở các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan mà chỉ ở Việt Nam?
Việc Bộ Công Thương “lên tiếng” trước tình trạng các hoạt động “thương hại” bất bình thường, dù muộn, còn hơn không, nhưng để các hoạt động quản lý thị trường thực sự hiệu quả thì đó phải là hoạt động thường xuyên gắn với các biện pháp xử lý nghiêm khắc chứ không thể là một báo cáo góp nhặt theo kiểu “chạy chất vấn”.
Trước phiên chất vấn, có một chi tiết cần phải được nhắc lại là cho đến ngày hôm nay, chưa có bất cứ thương lái Trung Quốc nào bị xử lý do dù những hoạt động của họ không thể gọi khác hơn là “phá hoại sản xuất”. Và việc bảo vệ sản xuất, có hữu hiệu hay không, phụ thuộc chính vào thái độ của Bộ trưởng ngày hôm nay, ngay từ việc chỉ mặt đặt tên một cách chính xác những gì đang diễn ra.