Đơn kêu oan của bà Nở nhắc tên 2 con ruột là Lầm và Triều: “Lầm không có tội, người phạm tội là Triều. Tôi viết đơn này kính nhờ các cơ quan chức năng can thiệp để con tôi được tại ngoại và điều tra xét xử vụ án đúng người đúng tội”.
Máu đổ ở tiệc tất niênNgày 20.1.2012, gia đình Lê Văn Triều (ở Cảnh Tịnh) mở tiệc tất niên. Nhóm anh em bà con tụ hội ăn uống, rồi xảy ra mâu thuẫn, rượt đuổi đánh nhau. Hậu quả, ông Lê Tấn Đãi (31 tuổi, ở xã Hòa Đồng, Tây Hòa) phải đi cấp cứu vì bị một vết thương 4cm ở đầu, tỷ lệ thương tích 2%; một vết thương 12cm ở mặt, làm gãy xương chính mũi thành dưới ổ mắt phải, tỷ lệ thương tích 24%.
Bà Nở (trái) trình bày sự việc với phóng viên.
Bà Nở trình bày: “Lúc đó, tui thấy thằng Triều chạy ra đánh, vật Đãi ngã xuống bên cạnh gốc dừa. Thấy máu trên mặt Đãi, tui kêu người nhà đưa nó đi nhà thương…”. Sau sự vụ, bà Nở khuyên Triều đừng đánh nữa, thế nhưng Triều đã lấy cây gài cửa đánh vô người bà, rồi đập xe máy của Đãi tan tành; một xe máy khác trong nhà cũng bị Triều đập vỡ phần đuôi. Mấy ngày sau, Triều qua nhà bà Nở lấy cây sắt đã dùng để đánh Đãi và nói “công an hỏi nên lấy đưa cho họ”. Thế nhưng thực tế, cây sắt đó đã không được cơ quan chức năng thu giữ…
Phạt tù, rồi hủy bản án Thế nhưng điều trớ trêu là người phải chịu trách nhiệm cho vụ việc lại là Lê Văn Lầm, người anh em ruột của Lê Văn Triều. Cho rằng vết thương ở mặt Đãi là do Lầm chém, ngày 16.4.2013, Công an huyện Tây Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lầm về tội cố ý gây thương tích. Ngày 15.5.2013, Lầm bị bắt tạm giam, sau đó bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Tây Hòa, Triều dùng cây sắt đánh vào đầu Đãi nhưng hành vi phạm tội của Triều độc lập, không đồng phạm với Lầm, nên cơ quan điều tra xử lý bằng một vụ án khác (?).
Luật sư Vũ Xuân Hải (Đoàn Luật sư Phú Yên) đánh giá: “Những chứng cứ và tài liệu thu thập được không phù hợp với lời khai của người bị hại, đặc biệt là chi tiết Lầm cầm rựa dài khoảng 1,2m bằng cả hai tay chém ngang mặt Đãi. Nếu chém như vậy có thể dẫn đến chết người chứ không phải là vết thương 24%. Mặt khác, lời khai của các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn. Với những chứng cứ đó, kết luận Lầm phạm tội là quá vội vàng, thiếu cơ sở”.
|
Ngày 12.9.2013, TAND huyện Tây Hòa xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Lầm phạm tội cố ý gây thương tích, phạt 3 năm 6 tháng tù. Ngày 18.9.2013, Lầm kháng cáo kêu oan rằng mình không dùng rựa chém Đãi.
Ngày 9.12.2013, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa phúc thẩm. Bị hại Lê Tấn Đãi vắng mặt và đã có đơn rút yêu cầu khởi tố, không yêu cầu giải quyết hình sự và dân sự. Tại tòa, 2 nhân chứng vụ việc trên đều khẳng định Lầm không cầm rựa, không dùng rựa chém vào mặt Đãi.
Theo nhận định của Hội đồng xét xử, vết thương ở vùng mặt bị hại là do vật có cạnh sắc gây nên và phải xác định được vật có cạnh sắc đó là gì. Bởi vì sau khi xảy ra mâu thuẫn, Đãi bị Triều dùng tay đánh ngã vào đống gỗ.
Câu hỏi đặt ra là các khúc gỗ có cạnh như thế nào, trong đống gỗ có đặt vật gì có cạnh sắc, có thể tác động lên mặt người bị hại hay không? Cơ quan điều tra đã thiếu sót khi không kịp thời thu thập hoặc truy tìm các vật chứng. Mặt khác, lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác có sự mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ và không tiến hành thực nghiệm điều tra là thiếu sót. Trước khi khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường nhưng không có kiểm sát viên tham gia là vi phạm Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự…
Chính vì những sai sót trên, tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Chiều 28.2, trao đổi với phóng viên đại diện gia đình cho biết, Lê Văn Lầm đã được Công an huyện Tây Hòa ra quyết định cho tại ngoại.