Đặc tính của chủng virus cúm H1N1 là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Trần Đắc Phu.
- Chủng virus cúm H1N1 đang lưu hành là chủng cúm gây đại dịch vào năm 2009, nhưng hiện nay đã được khống chế và trở thành cúm mùa thông thường. Cúm A/H1N1 lây từ người sang người, không liên quan gì đến gia cầm, do đó, điều tra dịch tễ dẫn đến nhận định “ăn gà chết bị cúm A/H1N1” hay tệ hơn “ăn trứng vịt lộn bị cúm…” là sai chuyên môn.
Tại sao lại có sự nhầm lẫn tai hại như vậy? - Các triệu chứng cúm tương đối giống nhau, như sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu, nếu nặng thì dẫn đến khó thở. Ngoài ra, các tuyên truyền về cúm H5N1, H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm khiến người dân cảnh giác cao độ, còn một số bác sĩ lại “lệch” khi điều tra dịch tễ. Kháng nguyên H và N kết hợp với nhau tạo nên 144 chủng cúm, nhưng không phải cúm nào cũng có nguồn gốc từ gia cầm. Hiện nay chỉ có một số loại cúm A được xác định là có nguồn gốc từ gia cầm, phổ biến là cúm A/H5N1, H7N9, H10N8…
Việc xác định nguồn gốc lây sai lầm có ảnh hưởng gì đến việc điều trị không?
- Hầu hết các ca cúm mùa thông thường sẽ tự khỏi, tuy nhiên, các ca cúm nặng dẫn đến sốt cao, khó thở thì phải đưa bệnh nhân đi viện để điều trị kịp thời. Loại thuốc đặc hiệu để điều trị mọi loại cúm hiện nay vẫn là Tamiflu. Tuy nhiên, nếu điều tra dịch tễ sai lầm sẽ khiến cho việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm khó khăn.
Cúm gia cầm H5N1 (phổ biến hiện nay) lây từ gia cầm sang người, nếu phát hiện ra ca cúm H5N1 trên người thì cần tìm nguồn gốc gia cầm bệnh để xử lý, dập dịch và ngược lại, thấy gia cầm chết thì cần đề phòng lây bệnh từ gia cầm sang người. Còn cúm H1N1 lây từ người sang người, do đó, nếu người bị cúm thì cần cách ly để tránh lây sang người khác. Nếu lại “hoang báo” cúm H1N1 lây từ gia cầm sang người có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ gia cầm của địa phương.
Xin cảm ơn ông!