Cuối năm, lần theo lời của câu ca vốn đã ăn sâu vào tâm thức của biết bao người con quê Bác (Nam Đàn - Nghệ An): “Sa Nam trên chợ dưới đò/Bánh đúc ba dãy thịt bò mê thiên”, chúng tôi lại về với phiên chợ quê đầy hồn thiêng này, vẫn đang ngày ngày nằm lúng liếng bên dòng sông Lam xanh mướt...
Bến đò Sa Nam giờ không còn nữa, bởi thay vào đó đã là một cây cầu đẹp như tranh thủy mặc, nằm vắt qua sông Lam mấy năm nay. Nhưng còn chợ Sa Nam thì bao năm nay vẫn vậy- vẫn các o, các ả; vẫn thịt bò, bánh đúc đầy chợ đã tạo nên một bản sắc không phải ở đâu cũng có thể gặp được như thế.
Nhớ hàng bán bánh đúcChợ Sa Nam có từ bao giờ thì lớp trẻ như chúng tôi không rõ lắm. Có người nói là khi ông Vua Đen họ Mai (Mai Thúc Loan) dựng cờ khởi nghĩa năm 722 chống sự đô hộ của nhà Đường thì ở đây đã là nơi giao thương, buôn bán giữa người dân với binh lính. Cũng có người nói là đến thời Hậu Lê khi lập Châu Hoan, rồi đẻ ra nhiều phủ, lộ thì lúc đó chợ Sa Nam mới hình thành. Nhưng việc có chợ khi nào cũng không quan trọng, bởi như cách nghĩ của những đứa trẻ từ khi biết theo mẹ gồng gánh ra chợ như chúng tôi thì cái làm nên phiên chợ này chính ở những hồn cốt, sản vật ở đây mà thôi.
Mẹt bánh đúc thương nhớ ở Sa Nam.
Chợ Sa Nam nhiều hàng hóa lắm. Tôi nhớ cứ từ tảng vảng sáng đến tận chập choạng tối, những con đò nhỏ ở mạn Thanh Tùng, Thanh Giang của huyện Thanh Chương lại oằn mình rẽ sóng chở bao nhiều là mít, chè, khoai, đỗ... đổ về chợ. Rồi từng đoàn các mẹ, các o, ả, các chú ở các xã vùng cao Nam Nghĩa, Nam Thanh, một số xã giáp huyện Đô Lương cũng ngày ngày gồng gánh, thồ chờ nào lợn, gà, bò, chó... về họp phiên. Đó là chưa kể nào bình, cuốc, xẻng, dao, búa... ở những miệt sản xuất nông nghiệp nức tiếng của vùng như Nam Thanh, Nam Lộc, Nam Tiến... cùng rồng rắn chở đến...
Có kể cả ngày chắc cũng không hết hàng bán ở chợ. Nhưng tôi đồ rằng: những ai đã từng ăn đời ở kiếp hay dù có thoảng qua phiên chợ Sa Nam thì chắc sẽ nhớ nhất món bánh đúc và thịt bò Sa Nam, đúng như cái câu ca lả lướt: “Sa Nam trên chợ dưới đò/ Bánh đúc ba dãy, thịt bò mê thiên”.
Món bánh đúc Sa Nam trông rất đơn giản mà có sức hấp dẫn lạ lùng. Chỉ là bột gạo nấu chín được đổ vào cái khuôn sẵn, rồi thêm vài hạt lạc rắc lên thế là xong món bánh đúc. Bánh đúc Sa Nam có thể to bằng cái trốc (đầu) trẻ con hoặc nhỏ hơn một chút như cái đọi (bát), hoặc nhỏ hơn nữa như nắm tay thì tùy người làm, người ăn lựa chọn. To hay nhỏ thì cái vị thanh thanh, bùi bùi của bánh đúc vẫn như thế. Muốn ăn bánh đúc thì cứ thế bẻ từng miếng nhỏ, rồi chấm với ruốc (mắm tôm) được vắt sẵn vài lát chanh, vài miếng ớt. Ăn bao nhiều cũng hết. Ăn bao nhiêu vẫn thấy thòm thèm. Có lẽ vì bánh đúc quá rẻ và quá nhiều (3 dãy) ở Sa Nam, nên hầu như o, dì, chú, mự ... nào đi chợ cũng phải mua về vài ba tấm bánh như thế.
Ngày thường thì bánh đúc là món quà vặt để những đứa trẻ như chúng tôi tạm quên đi những mộng mơ về bánh kẹo, gấu bông... như đám trẻ thành phố. Còn những ngày quê hương “nổi gió” thì bánh đúc đích thực là thứ bảo bối giúp bao gia đình vượt qua khó khăn. Tôi còn nhớ, những đợt quê nhà chìm trong mưa lũ dài ngày thì bát bánh đúc đã giúp cho những đứa trẻ chống đói qua ngày. Rồi những đợt giáp hạt, đói meo cả bụng mà có bát bánh đúc mẹ đi chợ về thì đời không còn gì sung sướng bằng. Nhiều gia đình ở Nam Đàn nuôi 3- 4 con vào đại học, hoặc con cái trở thành ông này, bà nọ chắc cũng chỉ biết cậy nhờ những bát bánh đúc ở Sa Nam như thế mà thôi...
Giữ lấy hồn cốtBánh đúc nhiều nhưng thịt bò ở Sa Nam còn nhiều hơn. Bánh đúc 3 dãy thì thịt bò ở góc nào của chợ Sa Nam cũng có, nhiều đến mê thiên (đầy cả trời). Cứ đến chợ Sa Nam y rằng lại được các o, các ả bán thịt bò đón đả mời chào: Ăn chi chú hề (Mua cái gì); Chân ni ngon nầy (chân này ngon); Vai ni non đó (thịt vai này ngon)... Nghe mời như rứa, giá rẻ như rứa, ai mà không mua vài cân cho được!?
Về Sa Nam, lại vẳng nghe đâu đây câu hát: “Nước sông Lam dào dạt/ Đây cảnh đẹp Nam Đàn/ Ai đi chợ Sa Nam, mà xem thuyền xem hội...”. Không biết lời ca ví dặm được lưu truyền từ bao giờ mà cho đến hôm nay, Sa Nam vẫn mãi là biểu trưng cho hồn thiêng xứ sở của vùng quê giàu truyền thống Nam Đàn.
|
Cũng như bánh đúc, thịt bò Sa Nam nhiều mà lạ, mà riêng, chỉ ở đây mới có. Thịt bò Sa Nam được đưa từ những xã ở miền cao của Nam Đàn chở về, nhiều nhất là Nam Nghĩa, Nam Thái... Nói không quá, những người nông dân ở đây quý con bò, con trâu đôi khi còn hơn cả mạng mình. Người có thể đói nhưng bò lúc nào cũng phải no. Người có thể bị bệnh nhưng bò bao giờ cũng phải khỏe mạnh... Cứ thế mà suy ra thì con bò, con trâu ở đây được chăm bẵm, coi sóc đặc biệt. Thức ăn của bò phải toàn cỏ non hoặc chỉ ít cũng là ngọn mía, cây khoai... Bò tắm thì toàn nước khe mát lạnh, hoặc không cũng phải là nước sông Lam... Mà không phải gia đình nông dân nào cũng nuôi bò để giết thịt, thực chất chỉ khi bò bị rơi xuống núi chết hoặc gặp tai nạn khi sản xuất mới thịt đem bán. Vậy nên, thịt bò ở đây lạ, ngon cũng là điều dễ hiểu....
Đi chợ Sa Nam, lại nhớ cái sẻ chia máu thịt của ông Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn Nguyễn Anh Tuấn, rằng: Hồn cốt của Nam Đàn là quê Bác, là rú Đụn với đền thờ Vua Mai Hắc Đế, là khe Bò Đái với lời sấm “Bao giờ Bò Đái thất thanh thì Nam Đàn sinh thánh”, là Sa Nam trên chợ dưới đò... Nam Đàn còn thì những hồn cốt ấy còn. Vậy nên, chợ Sa Nam dù có qua bao đợt bể dâu, như chiến tranh, rồi cháy chợ, ngập lụt... thì người Nam Đàn vẫn phải giữ cho bằng được cái hồn cốt ấy. Chợ Sa Nam không chỉ là nơi giao thương kinh tế, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, là nơi để những chất người, tình người Nam Đàn hội tụ, rồi vươn xa, rồi tỏa sáng...
Ngâm mà đúng, mà vui với chân lý về chợ Sa Nam của ông chủ tịch. Nhiều lần đến chợ, tôi cũng đã cảm nhận được có cái gì đó khang khác, đổi thay ở sắc chợ Sa Nam này. Chợ đấy, nghĩa là rồi cũng có thể sẽ có móc túi, rạch ví, có đỏ đen, có mua tranh bán cướp... Nhưng chợ là tình, là hồn cốt, là máu xương, là cha mẹ, là quê hương. Nên phải giữ. Và vì thế, dù gần 20 năm rời xa quê để bôn ba khắp chốn thì những người như chúng tôi vẫn cứ thậm thình nỗi nhớ khi ai đó bất chợt nhắc về Sa Nam...
Hà Nội những ngày cuối tháng Chạp, Quý Tỵ