Dân Việt

E dè với “lớp học trong mơ”

Tùng Anh – Hoàng Vĩnh 05/10/2013 09:57 GMT+7
Những lớp học “3 không”- không giáo án, không viết bảng, không giảng nhiều- thuộc mô hình trường tiểu học mới sẽ được Bộ GDĐT mở rộng thí điểm tại 1.500 trường tiểu học trên cả nước.
Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học vẫn còn e dè, lo ngại những khó khăn có thể nhìn thấy trước.

Những lớp học… trong mơ

Bước vào năm học mới 2013-2014, bé Nguyễn Phúc Thành- học sinh lớp 2B1- Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) thấy bàn ghế trong lớp không xếp từng dãy như trước mà quây lại thành nhóm. Bé được bầu làm trưởng ban tự quản nhóm gồm 6 bạn, yêu cầu các bạn đặt câu hỏi và trả lời theo hướng dẫn trong sách giáo khoa. “Cháu thích cách học này, các bạn trong nhóm được tự nêu câu hỏi, tự trả lời rồi tự chấm điểm cho nhau bằng bút chì”- Phúc Thành hồn nhiên nói.

img
Ảnh minh hoạ từ internet


Chị Phạm Thị Thanh Hiền- mẹ Phúc Thành nhận xét, từ đầu năm đến nay, khi lớp của các con chuyển sang học theo mô hình mới, con mình hăng hái học hơn, về nhà hay hỏi bố mẹ, ông bà các câu hỏi liên quan đến kiến thức của lớp học. Phụ huynh sẽ phải quan tâm hơn tới chương trình học để tham gia học cùng con.

Cô giáo Lưu Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền cho biết, năm học này, TP.Hải Phòng tiến hành triển khai thí điểm mô hình trường học hiện đại ở 9 trường tiểu học. Nội dung kiến thức vẫn giữ nguyên nhưng thay đổi căn bản phương pháp truyền đạt của giáo viên và cách tiếp thu kiến thức của học sinh. Lớp học có sự thay đổi, thay vì các em ngồi theo bàn hướng lên bục giảng như trước, nay học sinh được bố trí ngồi theo nhóm (4-6 em), mỗi nhóm có một nhóm trưởng điều hành hoạt động của cả nhóm. Học sinh trong nhóm sẽ cùng nhau học tập, tự đánh giá mình, đánh giá bạn khi học, giáo viên sẽ là người hướng dẫn và đánh giá sau cùng kết quả học tập của học sinh.

Tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội) giáo viên và học sinh cũng đã dần quen với các lớp học “ồn ào” như… chợ vỡ nhưng lại khá hiệu quả. Cô giáo Hoàng Việt Hạnh cho biết: “Mới đầu khi triển khai lớp học khá mệt vì việc chia lớp, quản lý lớp chưa đi vào nề nếp. Học sinh khối tiểu học chưa ý thức được nhiều về tính nghiêm túc khi tạo nhóm học. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn các em đã bắt nhịp và bị lôi cuốn vào các tiết học như thế”.

Khó triển khai đại trà

Lợi ích từ mô hình trường tiểu học mới được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn phương pháp học “cổ điển” thụ động và “làm mới” bộ mặt giáo dục. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại các trường tiểu học không đủ “lực” đổi mới khi cơ sở vật chất còn nghèo nàn.

Dự án Mô hình trường tiểu học mới (VNEN) là dự án xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Kinh phí triển khai là 87,6 triệu USD, trong đó có 84,6 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu và 3 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, thời gian thực hiện là 41 tháng, kể từ tháng 1.2013.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, để có được một mô hình chuẩn các trường cần có bàn ghế đủ chuẩn, sĩ số không quá đông, giáo viên được tập huấn và xây dựng được các góc tự học (thư viện, phòng thí nghiệm, phòng truyền thống...). Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường tiểu học ở nông thôn thiếu tất cả điều kiện này.

Cô giáo Nguyễn Thu Hà- giáo viên tiểu học ở Thanh Chương (Nghệ An) thì bày tỏ: “Hiện nay sĩ số trung bình của một lớp tại trường tôi đang là 40–45 học sinh, những lớp có giáo viên giỏi còn lên đến 50–55 học sinh. Triển khai lớp học theo phương pháp mới vô cùng khó. Bên cạnh đó, bàn ghế của học sinh trong trường là bàn liền ghế, muốn tổ chức theo nhóm sẽ khó sắp xếp cho các em thuận tiện việc học”.

Về chương trình, cũng chỉ có 3 đầu sách chính được cải cách là toán, tiếng Việt và khoa học tự nhiên, còn các bộ môn khác giáo viên vẫn phải tự mày mò, tìm phương pháp giảng dạy.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Các trường không đủ điều kiện có thể triển khai từng phần. Ví dụ như đổi mới phần tổ chức quản lý lớp học trước, hoặc đổi mới sách giáo khoa trước… Đối với các lớp đang quá tải sĩ số, các trường có thể bổ sung thêm trợ giảng để quản lý lớp học. Bộ GDĐT sẽ hỗ trợ về kinh phí đối với các trường tham gia thí điểm theo dự án, còn những trường tự phát thì phải tự đầu tư kinh phí.

Giáo viên phải đầu tư nhiều hơn

“Đây là mô hình dạy học mà nhóm Những cánh buồm đã thí điểm ở một số trường nội thành Hà Nội. Lớp học kiểu mới chỉ có thể duy trì tốt với sĩ số tối đa 25 – 30 học sinh. Tuy không soạn giáo án như cũ nhưng giáo viên cũng phải lên kế hoạch giảng dạy từng ngày, làm mới tiết học mỗi ngày. Điều đó yêu cầu giáo viên phải đầu tư công tác chuẩn bị nhiều hơn trước. Ở khu vực nông thôn, nếu triển khai, giáo viên phải được tập huấn rất kỹ”.

ThS Nguyễn Thị Thanh Hải – Nhóm giáo dục hiện đại
Những cánh buồm

Lo phụ huynh khó tham gia

“Với mô hình học mới này, công tác xã hội hóa giáo dục được đi vào chiều sâu khi phụ huynh học sinh buộc phải tham gia tích cực các hoạt động học tập của con cái bằng những nhiệm vụ cụ thể được ghi ngay trong bài học của học sinh. Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại nhiều phụ huynh quá bận rộn với việc kiếm sống nên không để ý, không tham gia được”.

Cô Nguyễn Thanh Thúy- giáo viên tiểu học ở Đăk Lăk