Nhiễm bệnh vì quá tảiTS Phạm Nhật An (BV Nhi T.Ư) cho biết, BV vừa phải xử lý một đơn kiện bệnh viện “vì làm con tôi nhiễm sởi” và yêu cầu BV đền bù. Trước đó, bệnh nhi này điều trị viêm phổi tại viện, sau khi ra viện thì mắc sởi. Trước đó, một bệnh nhi trong quá trình đợi mổ dị tật thì bị viêm phổi vì nhiễm khuẩn BV, nên phải hoãn mổ. Chuyên gia mổ đến từ nước bạn về nước, họ cũng nằm “ăn vạ” trong viện cả tháng.
“Chúng tôi đã nhiều lần giải thích chính vì bố mẹ cứ thích “lên trên” nên con phải nằm chật chội mà mắc thêm bệnh. Mà mắc bệnh sởi trong BV thì nặng hơn nhiễm ngoài cộng đồng. Bác sĩ nào chẳng muốn bệnh nhân nhanh khỏi, không bị nhiễm bệnh” – TS An khổ sở.
Phòng điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư .
Hiện nay, BV Nhi đang phải cầu cứu Bộ Y tế để mong có cách tháo gỡ tình trạng quá tải. PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, BV chỉ có 1.200 giường bệnh nhưng luôn có tới 1.700 bệnh nhi nội trú và con số này ngày càng gia tăng. Đó là chưa kể khoảng 3.000-3.500 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Mỗi bệnh nhi lại kèm theo 2-3 người nhà, do đó nhiều khi BV “không còn chỗ đứng” theo đúng nghĩa đen.
TS Đỗ Minh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi T.Ư cho biết, bệnh nhi trong khoa đang phải nằm ghép 3-4 cháu/giường, 4 cháu chung một máy thở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng điều trị. Cả khoa có 14 bác sĩ, 36 điều dưỡng mà phải điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Trong số này có đến 118 bệnh nhân phải thở oxy. “Mỗi giường đang có từ 3-4 bệnh nhân, mà cũng chỉ có 1 ổ ôxy nên các cháu phải “tranh nhau” thở” – TS Tuấn cho biết.
Giải quyết cần đồng bộÔm đứa con đang sốt, chị Nguyễn Lê Minh (Nghệ An) cho biết, con chị mới 14 tháng tuổi, bị ho, sốt, thở khò khè đã 4 ngày, điều trị ở bệnh viện tỉnh không thấy đỡ nên chị phải bắt xe khách lên BV Nhi T.Ư. “Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản, kê đơn cho cháu y như dưới tỉnh và bảo bế con về. Em thì muốn cho con nằm viện để điều trị dứt điểm, nhỡ về cháu lại bị nặng hơn thì sao” – chị Minh cho biết. Do đó, chị cứ nằng nặc đòi các bác sĩ cho con chị nhập viện, nếu con chị về mà có mệnh hệ gì thì các bác sĩ phải chịu trách nhiệm.
Theo TS An, cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc giảm tải cho BV tuyến trên. Chỉ nên đưa lên tuyến trên những ca bệnh khó, cần can thiệp. “Khoa Hô hấp đông vì toàn viêm phổi. Trong khi đó, viêm phổi có thể chữa ở tuyến huyện, tuyến tỉnh” – TS An cho biết.
Tuy nhiên, đại diện BV Sản - Nhi Ninh Bình cho biết, cho dù rất cảm thông với BV Nhi T.Ư nhưng tuyến dưới nhiều lúc “cực chẳng đã” phải chuyển bệnh nhân. “Đôi khi bệnh nhân điều trị tuyến dưới lâu không khỏi hoặc diễn biến nặng hơn, gia đình cứ nằng nặc đòi chuyển viện, BV có muốn thuyết phục họ tiếp tục điều trị cũng chẳng được” – vị đại diện này cho biết.
"Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng đang phải điều trị quá tải tới hơn 200%. Cả khoa có 60 giường nhưng bệnh nhân lúc nào cũng hơn 140 cháu. Bệnh nhân đông đến mức tràn hết ra hành lang bệnh viện nằm. Phòng đông, mùi mồ hôi, mùi thuốc, trẻ quấy khóc… làm bác sĩ cũng mệt muốn xỉu chứ đừng nói đến các cháu”. TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai)
|
Bà Lưu Thị Liên – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, BV Nhi T.Ư có chuyển bệnh nhân về thì các bệnh viện của Hà Nội cũng khó nhận vì cũng đang gồng mình với quá tải. BV Xanh Pôn khoa Nhi có khoảng 120 giường nhưng luôn có khoảng 400 bệnh nhi; Thanh Nhàn 50 giường có 163 bệnh nhi…
Trong khi đó, cơ sở vật chất của các bệnh viện này còn thiếu thốn rất nhiều. Hiện BV Xanh Pôn có 4 máy thở, Thanh Nhàn có 1, Đức Giang có 2… “Nếu nhận bệnh nhi từ T.Ư về thì 4 cháu “ôm” 4 máy, làm sao chăm sóc cho các cháu khác được”- bà Liên cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Cục sẽ nghiên cứu để có những văn bản, yêu cầu các cơ sở y tế địa phương hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. “Những bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sởi ở tuyến dưới đều điều trị được, không nên đưa con lên tuyến trên gây quá tải trầm trọng, khiến trẻ mắc chéo thêm nhiều bệnh khác” – ông Khoa nhấn mạnh.
Theo ông Khoa, với tình hình hiện nay, Cục cũng sẽ nghiên cứu phương án thành lập BV dã chiến để điều trị bệnh sởi. Tránh điều trị chung trong khoa Nhi, BV Nhi mà lây sang các trẻ khác.
Cũng theo bà Liên, chỉ tập trung giải quyết riêng cho BV Nhi cũng không giải quyết được quá tải. “Hiện nay cần một giải pháp đồng bộ như xây dựng thêm cơ sở mới, tăng cường chuyên môn cho tuyến dưới, tuyên truyền người dân hiểu để không “sính T.Ư” mới hạn chế dần quá tải”.