Dân Việt

Hối hả chống rét cho gia súc

Minh Ngọc - Thanh Xuân 17/12/2013 10:32 GMT+7
Dù mới bước vào đợt rét đậm, rét hại đầu tiên, song nhiệt độ tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xuống dưới ngưỡng 10 độ C. Những ngày này người dân miền núi phía Bắc đang nỗ lực chống rét để bảo toàn đàn vật nuôi.
Lấy chăn của người đắp cho trâu

Sáng 16.12, trong cái rét căm căm kèm theo mưa lạnh miền biên ải, anh Lùng Lìn Thôn ở đội 4, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, Lào Cai cứ chốc chốc lại chạy ra căn bếp nhỏ, tường trình bằng đất dày tới nửa mét, vén tấm vải bạt chắn cửa nhìn vào con nghé tơ mới tậu. Cho thêm một khúc củi vào chậu than hồng, bên trên đặt nồi nước to, anh Thôn ôm lấy cổ con trâu, vuốt ve như bè bạn thân.

Anh bảo: “Mấy hôm nay trời lạnh quá. Cái chuồng trâu che bằng vải bạt của tôi không thể ngăn được cái lạnh ngoài trời, nên tôi phải đưa con nghé vào trong căn bếp này. Tuy có chật chội, bẩn thỉu một tý nhưng phải chịu, miễn là trâu, nghé đừng ốm, đừng chết như những năm trước”.

Anh Thàu A Phàn đi tìm ở Thác Bạc (Sapa, Lào Cai) mất 1 ngày 1 đêm mới tìm thấy 7 con trâu được thả cách nhà hơn 20km, đưa về nhà tránh rét.
Anh Thàu A Phàn đi tìm ở Thác Bạc (Sapa, Lào Cai) mất 1 ngày 1 đêm mới tìm thấy 7 con trâu được thả cách nhà hơn 20km, đưa về nhà tránh rét.

Hỏi chuyện anh Thôn, được biết, đợt rét này tuy không có băng tuyết như ở Sapa, Ô Quy Hồ... nhưng những huyện vùng cao Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương của tỉnh Lào Cai giá lạnh cũng chẳng kém gì những nơi tuyết rơi. Hơ hơ đôi bàn tay lên bếp lửa cho đỡ cóng, anh Thôn bảo: “Năm nào ở vùng cao này cũng có trâu, bò, lợn chết rét.

Hai năm nay thì đỡ hơn, vì tỉnh đã hỗ trợ bà con làm nhà tránh rét cho trâu, bò. Nhưng nếu cứ lạnh buốt như thế này, thì vẫn có nhiều gia súc bị chết bởi dân nghèo thì chăm sóc cho trâu, bò cũng không thể tốt được đâu. Hai hôm nay, vợ tôi còn nấu cháo trộn rơm cho nghé ăn. Lo cho nó như lo cho người ốm anh ạ”.

Trên đỉnh đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, không gian đặc quánh lại bởi lớp sương mù bao phủ. Từng cơn gió nhẹ đưa cái lạnh tê tái len lỏi vào mọi ngóc ngách trên cơ thể con người dù tôi đã cố gắng bao bọc bởi đủ loại áo quần, tất, mũ... Căn nhà nhỏ được che chắn cẩn thận bên chái bếp của ông Mùa A Tua ở bản Lồng, xã Toả Tình đang bốc lên những làn khói xanh ấm cúng.

Ông Tua bảo: “Nhà mình nuôi được 2 con trâu và ít gà, lợn thôi. Trời rét thế này là vật nuôi dễ bị chết cóng hoặc phát sinh bệnh tật. Mấy năm trước, cái bệnh cước chân vì giá rét cũng lấy đi của bản này nhiều trâu, bò, lợn. Bà con phải mổ chia nhau ăn theo kiểu “ăn góp” để hỗ trợ nhau. Vừa ăn thịt mà vừa khóc vì xót của đấy”. Lật tấm chăn chiên cũ đang đắp trên lưng con trâu nái, ông Tua bảo: Chăn này thường ngày mình vẫn đắp đấy. Nhưng rét thì phải đắp cho trâu thôi. Cái vải bạt vừa mỏng, vừa cứng, bọc vào lưng trâu nó cũng không thích.

Giúp dân sửa chuồng trại


Ông Đăng Ngọc Quang - Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, Sơn La cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi không chỉ hỗ trợ hàng nghìn con giống trâu, bò, lợn cho nông dân mà, còn chi nhiều tỷ đồng để giúp nông ân làm mới, tu sửa chuồng trại và tiêm phòng dịch bệnh miễn phí cho đàn gia súc, gia cầm. Lực lượng khuyến nông, thú y các cấp trong huyện luôn phải bám sát địa bàn, hộ chăn nuôi để hướng dẫn, chỉ đạo nông dân phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và phát hiện, cứu chữa kịp thời khi có biểu hiện dịch bệnh phát sinh”.

Ông Lã Văn Thảo - Trưởng phòng Gia súc lớn, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, từ đầu tháng 10, Cục đã có văn bản gửi các địa phương về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống rét cho gia súc. Trong đợt rét đậm, rét hại lần này, Cục đã lập 3 đoàn kiểm tra, xuống các địa phương đôn đốc phòng chống rét cho gia súc. Ngày 17.12, đoàn sẽ kiểm tra ở Lào Cai, Lai Châu. Phi Long

Đến các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên... của tỉnh Điện Biên, phóng viên NTNN cũng ghi nhận cảnh nông dân chuẩn bị hàng nghìn cây rơm trong sân của các gia đình chăn nuôi trâu, bò.

Anh Lò Văn Toàn - nông dân bản Tỏ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, cho biết: “Hai năm nay, Nhà nước cùng nhân dân xắn tay chống rét cho gia súc rồi. Chưa có chuồng trại thì Nhà nước cho vay, hỗ trợ làm mới, tu sửa để đảm bảo sức khoẻ vật nuôi. Cán bộ đến kiểm tra tận nhà, vận động, chỉ đạo bà con tiêm phòng dịch bệnh mùa đông và làm cây rơm, ủ thức ăn cho gia súc”.

Tính đến chiều 16.12, các địa phương vùng Tây Bắc chưa có thống kê thiệt hại đáng kể nào do giá rét gây ra. Theo ông Nguyễn Đắc Thuỷ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lào Cai, rút kinh nghiệm đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2008 làm hàng chục nghìn trâu, bò bị chết, các đơn vị chức năng của tỉnh đã có nhiều biện pháp phòng, chống rét cho gia súc. Cụ thể như, tăng nguồn dự trữ thức ăn, rơm khô, phát triển trồng cỏ, che chắn chuồng trại, di chuyển gia súc về vùng ấm khi nhiệt độ xuống thấp...

Một trong những địa phương làm tốt công tác này là Sapa. Tổng đàn gia súc của huyện hiện có hơn 9.000 con trâu, 1.700 con bò. Những năm rét đậm, rét hại trước đây, Sapa luôn là địa bàn có số lượng trâu, bò chết rét lớn nhất, thì trong đợt rét đậm, rét hại có tuyết rơi những ngày qua chưa có thống kê thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Tuyển- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lào Cai cũng cho biết, trước diễn biến bất thường của thời tiết, sở đã thành lập 3 đoàn trực tiếp xuống các địa bàn đang có rét đậm, rét hại để chỉ đạo công tác phòng chống rét.