Nông dân xã Thụy Hương học nghề trồng hoa lan. |
Về Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) những ngày áp Tết, chúng tôi ngạc nhiên vì những vườn hoa tươi của HTX hoa Thụy Hương được chăm sóc tỉ mẩn, chu đáo bởi bàn tay của những ND trước đây chỉ quen gieo mạ, cấy lúa. Những lứa hoa đầu tiên áp dụng công nghệ hiện đại, sẽ được cắt tỉa thu hoạch, bảo quản và vận chuyển bằng ôtô chuyên dụng đưa đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Tân Mão này.
Học trước, quên sau
Những vườn hoa đó là thành quả đầu tiên của những ND được đào tạo nghề trồng hoa. Được biết, mới đây Thụy Hương đã mở 3 lớp dạy nghề tập trung, mỗi lớp 30 học viên, với các nghề nuôi trồng thuỷ sản, an toàn sinh học, cơ khí và trồng hoa - cây ăn quả theo hướng VietGAP.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH.
Theo ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, việc dạy nghề cho người lao động trong xã có ý nghĩa quan trọng. Ông Học cho rằng, NTM không chỉ là xây dựng nhà văn hoá to, đường lớn mà cần khơi dậy nhiệt huyết của những người dám nghĩ, dám làm giàu, ham học hỏi các nghề mới có thu nhập cao, ổn định.
Thụy Hương là 1 trong 11 xã thí điểm mô hình NTM, được Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án "Thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn". Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, công tác dạy nghề ở Thụy Hương còn “vướng” nhiều vấn đề.
Riêng trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, việc dồn điền đổi thửa ở một số diện tích có tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn xã chưa thực hiện được; kỹ thuật vẫn chủ yếu là nuôi thủ công; việc hạch toán kinh doanh chưa tiếp cận được với nhu cầu và biến động của thị trường.
Chủ tịch xã Nguyễn Đức Học trăn trở: “Chương trình đào tạo quá ngắn, chỉ 21-30 ngày/khoá với số ngày học 6-8 ngày/khoá nên chỉ mang tính bổ túc, chuyển giao thêm kỹ thuật là chính, học viên sẽ khó nắm bắt sâu kiến thức một cách có hệ thống. Hơn nữa, do bận việc nhà và học cách nhật 2 ngày/tuần nên nhiều ND học trước, quên sau hoặc bỏ học giữa chừng”.
Học nghề, làm nghề phải bền vững
Với nhiều ND, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá đã "làm mất" phần nào tài sản của họ là đất nông nghiệp. Vì thế, việc học nghề và làm nghề bền vững với ND là một trong những giải pháp lâu dài. Theo bà Hạ Thuý Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia, do đô thị hoá nhanh và áp lực phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, lao động nông thôn sẽ chịu nhiều tác động và gặp khó khăn nhất nếu không được đào tạo nghề. Việc đào tạo nghề sẽ phần nào tạo điều kiện cho ND chuyển đổi cơ cấu sản xuất và nghề phù hợp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vụ, ở xã Thụy Hương cho rằng, khi người dân chưa làm chủ được tư liệu sản xuất, phân phối sản phẩm, nắm bắt KHKT mới thì việc làm giàu khó bền vững. Theo ông Vụ, việc thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt đã có từ nhiều đời nay với người ND không thể giải quyết một sớm một chiều. Vì thế, bên cạnh việc mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cần mở các lớp dài hạn hơn để ND được học và thực hành thường xuyên, liên tục, có hệ thống hơn.
Hữu Thông