Lâu nay trên một số báo hay đăng tải hướng dẫn “cách làm giàu” cho nông dân khá hấp dẫn bằng các cách chăn nuôi, trồng trọt và nhiều kiểu làm ăn khác nhau.
Một bác nông dân bảo tôi: Tôi nghĩ nói cách làm cho đủ ăn là được rồi, chứ làm giàu thì khó lắm, mà giàu thì biết bao nhiêu cho đủ và bao nhiêu thì là giàu?
Tôi giật mình về nhận xét của chính người lao động ấy. Họ có thực tế cuộc sống. Thế nào là giàu, bao nhiêu là giàu? Chữ “giàu” ở đây nên hiểu thế nào.
Nuôi ao ba ba, nuôi lươn, nuôi ếch, nuôi dế, làm trại nhím, nuôi hươu lấy nhung… hay trồng vài trăm gốc điều, cắm mấy trăm trụ hồ tiêu, có mấy ngàn gốc cà phê đã gọi là giàu chưa. Trồng rồi nuôi thì được, nhưng bán ở đâu?
Cái phong trào a dua tự phát ấy hay bị trả giá. Đã trả giá mấy chục năm rồi, nay vẫn luẩn quẩn. Đó là một cuộc sống bấp bênh dựa vào may rủi như đánh bạc. Hôm qua được, hôm nay mất!
Vậy làm ăn lớn là thế nào? Tôi nghe có quốc gia đưa sản xuất về mọi nhà mà vẫn là làm ăn lớn. Đó là đưa cây hay con xuống từng gia đình, và hướng dẫn khoa học công nghệ chăm nuôi, kiểm tra kiểm dịch và sau đấy là việc thu gom có kế hoạch định kỳ thông suốt.
Nông thôn cho đến nay tưởng như lạc hậu không có mấy giá trị nhưng nó vẫn là cái trụ cột duy nhất cho đất nước vững cái dạ dày. Nông thôn mà vỡ trận như Vinashin thì đất nước hôm nay đi đến đâu?
Một xứ sở không băng tuyết như ta, bốn mùa cắm xuống đất cây gì cũng sống mà bị hoang phí không khai thác hết hoặc khai thác theo những kế hoạch không thực tế… còn nông dân thì cứ theo phong trào thấy lợi là a dua theo, rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn trồng- phá- xây rồi đập bỏ… thì làm sao mà làm giàu được. Những hướng dẫn về làm cây con rất có ích trên báo chí cũng chỉ để cho đủ để tự thân kiếm sống thôi, sao có thể gọi là làm giàu?
Năm Giáp Ngọ này, mong có những kế sách cho nông thôn một cách toàn diện hơn. Hãy có những tranh luận nát trận để tìm ra một hướng đi an toàn cho nông thôn, lúc ấy mới nói chuyện làm giàu!