Dân Việt

Nhiều kẽ hở để gián “chui” từ Trung Quốc vào Việt Nam

Trần Quang 15/03/2014 06:56 GMT+7
Toàn bộ nguồn "giống" để ấp nở ra gián đất tại Việt Nam đều được nhập về từ Trung Quốc qua con đường "xách tay".
Nuôi gián đất là nghề đã nở rộ ở Trung Quốc mấy năm trở lại đây. Hiện nay, toàn bộ nguồn “giống” để ấp nở ra gián đất tại Việt Nam đều được nhập về từ Trung Quốc qua con đường “xách tay”. Đây cũng chính là kẽ hở khiến cơ quan chức năng không thể phát hiện, ngăn chặn...

“Không biết nguy hiểm...”


Theo Sở NNPTNT Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh này hiện có 3 “mô hình” nuôi gián đất ở các xã Xuân Lai (huyện Gia Bình), Quảng Phú, thị trấn Thứa (huyện Lương Tài). Ngay sau khi phát hiện có các “ổ” gián ở đây, địa phương không biết người dân nuôi gián để làm gì nên xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NNPTNT thì mới biết, gián là loài không được phép sản xuất, kinh doanh.

Cơ sở nuôi gián đất tại Công ty Cơ khí thương mại HH (Bắc Ninh).
Cơ sở nuôi gián đất tại Công ty Cơ khí thương mại HH (Bắc Ninh).

Ông Trần Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết: Vào khoảng gần cuối năm 2013, khi được người dân báo ở địa phương có xuất hiện một hộ dân nuôi gián đất, xã đã lập tức cử đoàn xuống kiểm tra.

Tại cuộc kiểm tra ngày 31.12.2013, cán bộ xã đã phát hiện tại hộ ông Nguyễn Xuân Đ ở thôn Phú Thọ - chủ Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh ĐT có treo biển ngoài cổng: “Chuyên bán buôn gián đất”. Họ còn giới thiệu nơi cung cấp giống từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang cho ấp nở tới hơn 150kg trứng gián.

“Số trứng gián đất trên đều được nhập qua đường tiểu ngạch hay nói đúng hơn là do vợ chồng ông Đ “xách tay” về, nên khi đoàn kiểm tra hỏi giấy tờ ông Đ đã không đưa ra được giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và giấy tờ có liên quan về giống gián đất đang nuôi…” - ông Hoa cho hay.

Chúng tôi liên lạc với bà Nguyễn Thị L - vợ ông Đ, thì bà cho biết: “Do thường xuyên qua Trung Quốc để làm việc nên tôi có biết về mô hình nuôi gián đất rất hiệu quả nên bắt mối mua về cho anh em ở nhà nuôi chứ cũng không biết nó nguy hiểm như thế nào”.

Thực tế, việc cho ấp nở trứng gián ở đây đã diễn ra từ tháng 8.2013, khi bà L cùng một số người ở xã Quảng Bố, xã Quảng Phú (huyện LươngTài) mua hơn 100kg trứng gián loại tròn với giá 130 nhân dân tệ/kg (gần 450.000 đồng). Bà L cũng cho biết: “Chúng tôi được chuyên gia người Trung Quốc sang tận nơi để giúp xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi”.

Phải bắt buộc tiêu hủy

Trao đổi với phóng viên NTNN chiều 14.3, ông Phạm Trọng Minh - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT Bắc Ninh) cho biết, đến nay Sở này vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ NNPTNT về việc xử lý các trường hợp tự ý nhập khẩu, nuôi gián đất mặc dù văn bản này đã được phát hành từ ngày 7.3 và đã được đưa công khai lên mạng của Bộ NNPTNT.

Trước đó, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh cũng cho biết: “Chúng tôi vẫn đang đợi ý kiến chỉ đạo của Bộ NNPTNT”. Điều này chứng tỏ sự tắc trách của Sở NNPTNT Bắc Ninh đối với vụ việc, bởi ngoài văn bản của bộ, báo chí những ngày qua cũng đã đưa tin liên tục về vụ việc này.

Gián đất không chữa được ung thư
Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội cho biết: Trong Đông y, gián đất là một vị thuốc còn gọi là thổ miết trùng (địa miết trùng), có vị mặn, tính độc. Gián đất được dùng trong các bài thuốc có tác dụng tan huyết ứ, lưu thông huyết. Ngoài ra, còn có tác dụng chữa một số bệnh như đau dạ dày, viêm loét miệng, bế kinh đau bụng… Các sách y học trước đây cũng không khẳng định gián đất có tác dụng chữa bệnh ung thư. Đơn giản, nó chỉ là một vị thuốc, còn chữa bệnh như thế nào phải phối hợp với các vị thuốc khác.

Diệu Linh (ghi)

Về hướng xử lý mà Bộ NNPTNT đã yêu cầu, PGS - TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết, đối với sinh vật ngoại lai, hiện có 2 cơ quan quản lý là Bộ TNMT và Bộ NNPTNT, trong đó vai trò của Bộ NNPTNT là chính.

Do đó, ông Lam cho rằng, các cơ quan chức năng cần khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra xuống tận cơ sở nuôi gián đất tại Bắc Ninh để lấy mẫu vật cung cấp cho các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá. Từ đó mới có thể đưa ra biện pháp xử lý triệt để được. “Nếu là sinh vật ngoại lai gây hại, dù người dân có đầu tư tiền tỷ để nuôi thì cũng phải buộc tiêu hủy” - ông Lam khẳng định.

Về các hộ nuôi gián, khi chúng tôi hỏi có biết việc nuôi gián là hành vi bị cấm không, ông N - chủ cơ sở ở xã Quảng Phú (Lương Tài) nói, ông vẫn không biết gì cả: “Thấy người ta giới thiệu nuôi gián dễ, cho thu nhập cao thì tôi nuôi thử thôi. Từ ngày nuôi đến giờ, cơ sở của tôi đã có 3 đoàn từ tỉnh, huyện, xã về kiểm tra nhưng họ chỉ lấy mẫu trứng mang đi chứ chưa nói cấm việc nuôi gián” - ông N nói.

Ông Trần Văn Hoa cho hay: “Nếu như cấp trên nói nuôi gián là vi phạm, chúng tôi sẵn sàng phối hợp để xử lý nghiêm và kiên quyết không cho nuôi nữa”.

Những loài ngoại lai nguy hiểm
Trước con gián đất, theo một báo cáo mới đây của Cục Bảo tồn đa dạng Sinh học (Bộ TNMT), Việt Nam đã có 94 loài sinh vật ngoại lai. Sau khi du nhập vào nước ta đã gây nguy hại đến mùa màng, đa dạng sinh học. Trong đó, có một số loài đặc biệt nguy hiểm như:
Cây mai dương hay còn gọi là cây trinh nữ đầm lầy (hiện là sinh vật ngoại lai gây hại lớn nhất ở Việt Nam)
Ốc bươu vàng (được xác định là ký chủ trung gian truyền bệnh sán phổi từ chuột sang người)
Ốc sên (gây hại cây trồng cạn, xâm nhập năm 1960)
Lục bình (bèo Nhật Bản hoặc bèo Tây, xâm nhập năm 1902)
Văn Ngọc