Dân Việt

Chỉ nên mua đủ ăn đến mùng 1, tránh biến tủ lạnh thành... ổ bệnh

Tùng Anh (thực hiện) 09/02/2014 07:05 GMT+7
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo: Thực phẩm không được bảo quản đúng cách thì chính tủ lạnh sẽ trở thành một…ổ bệnh. Chỉ nên mua vừa đủ ăn ngày 30, mùng 1, để đảm bảo vệ sinh vừa tươi ngon.
Sau Tết, không ít gia đình “phát ngốt” với chiếc tủ lạnh chứa đầy thực phẩm mà không thể giải quyết ngay trong một vài ngày. Dân Việt đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội về những nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm

img
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh

Vì sao tiến sĩ lại nhận định như vậy?

- Đã có rất nhiều nghiên cứu khẳng định, ngoài yếu tố dinh dưỡng giảm sút, thực phẩm được bảo quản quá lâu và không đúng cách trong tủ lạnh sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Thông thường các loại tủ lạnh được cấu tạo 2 ngăn với ngăn đá có nhiệt độ từ 10 – 12 độ âm và ngăn mát với nhiệt độ từ 8 – 10 độ dương. Việc làm mát thực phẩm trong tủ lạnh thực chất nhằm làm giảm tốc độ phát triển của vi sinh vật có trong thực phẩm.

Ở nước ta, các loại hải sản, thịt, cá, trâu bò thường được giết mổ thủ công nên nguy cơ nhiễm khuẩn thực phẩm cao hơn và mật độ vi khuẩn có trong thực phẩm nhiều hơn so với thực phẩm được giết mổ công nghiệp theo quy trình khép kín. Lượng vi sinh vật này sẽ “theo” thực phẩm tươi sống vào trong tủ lạnh.

Việc làm lạnh tất nhiên không thể giết chết vi khuẩn. Nếu thực phẩm được bảo quản quá lâu và không đúng cách (nhất là thịt cá và các loại thực phẩm chứa nhiều protein) thực phẩm sẽ bị hỏng dẫn đến nguy cơ nhiễm độc cho người sử dụng. Đặc biệt, nguy cơ nhiễm tụ cầu khuẩn – một loại vi khuẩn chứa độc tố cao, thường phát triển nhanh trên thịt động vật, nếu ăn phải có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài nguy cơ này, thực phẩm để lâu trong tủ lạnh còn có nguy cơ nào khác, thưa tiến sĩ?

- Nhiều gia đình thường không để ý đến việc vệ sinh ngăn đá tủ lạnh thường xuyên dẫn đến tình trạng chính nước đá kết tụ trong bề mặt ngăn đá bị rò rỉ từ thực phẩm sống được bảo quản tại đây sẽ trở thành mầm bệnh vì ngăn này cũng là nơi sản xuất đá dùng để uống hàng ngày.

Theo tôi chỉ nên bảo quản thực phẩm sống trong ngăn đá nhiều nhất là 2 tuần và nên thường xuyên xả đá để cọ rửa ngăn lạnh này.

Nhiều người khi bảo quản thực phẩm Tết đã sử dụng hộp kín, màng bọc, điều này có làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn không, thưa ông?

- Đối với ngăn mát, đây là nơi bảo quản thực phẩm chín. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn có thói quen cho cả thực phẩm sống và chính vào cùng với lý do…đã có hộp và màng bọc thực phẩm ngăn cách. Điều đó chưa thực sự đúng. Thực phẩm chín chỉ nên được giữ trong ngăn mát dưới 24 tiếng. Đối với thực phẩm đã “đụng đũa” thì chỉ nên sử dụng trong ngay trong 12 tiếng. Dù có hộp hay màng bọc cũng vậy, để lâu hơn, chắc chắn thực phẩm sẽ nhiễm khuẩn, ôi thiu

Ngoài ra, một điều lưu ý mà mọi người hay mắc phải là không để hoa quả cùng với rau, bởi lẽ một số trái có đặc tính thải ra khí gas Ethylen làm cho rau củ mau hư hơn. Tùy loại thực phẩm mà có thời gian bảo quản khác nhau.

Vậy theo ông, chúng ta nên làm gì để hạn chế thực phẩm dư thừa, bảo quản không đúng cách trong ngày Tết?


- Các gia đình cần “rút kinh nghiệm” về việc sắm Tết. Thực tế, rất nhiều nơi ngay từ mùng 2 Tết đã có chợ và thực phẩm đã được bày bán rất nhiều kể cả giò, chả, thịt, cá…các loại dùng để cúng lễ. Chính vì vậy, trước Tết chỉ nên mua vừa đủ ăn ngày 30, mùng 1, đến mùng 2 là có thể đi chợ mua thực phẩm tươi sống vừa đảm bảo vệ sinh vừa tươi ngon.

Việc “khư khư” giữ mâm cỗ Tết như ngày xưa trong khi nhu cầu ăn uống ngày nay đã thay đổi cũng là lý do khiến chúng ta bị dư thừa, lãng phí thực phẩm sau Tết. Quan niệm này cũng cần thay đổi thì mới giải quyết tận gốc sự lãng phí đồ ăn ngày Tết.

Xin cảm ơn PGS.TS


Sau Tết, gia đình bạn có phải vứt bỏ thức ăn thừa?

img img
img