Như tin đã đưa, ngày 17.4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019. Trong cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ VHTT&DL chủ trì khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á để có phương án phù hợp rút đăng cai ASIAD 18.
Qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.
Nhà báo Nguyễn Lưu (ảnh: TT&VH)
Quyết định này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dư luận bởi trước đó, đã có nhiều chuyên gia trong ngành thể thao ủng hộ quan điểm rút đăng cai ASIAD 18. Phần lớn ý kiến cho rằng Việt Nam chưa nên tổ chức ASIAD trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi tiềm lực về thể thao của chúng ta chưa mạnh so với khu vực.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên
VOV online ngay sau khi được biết chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà báo Nguyễn Lưu cho biết: "Là một người có hơn 40 năm theo dõi lĩnh vực thể thao, tôi rất xúc động và phấn khởi khi được biết quyết định xin rút đăng cai ASIAD 18 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là quyết định hợp tình, hợp lý với đầy đủ lí do thuyết phục."
"Như tôi đã từng nói, Việt Nam chưa phải là một cường quốc về kinh tế, cũng như thể thao để có thể tổ chức một kì Á vận hội lớn. Chúng ta đã có nhiều ý kiến trái chiều suốt vài tháng qua, có những phiên giải trình, điều trần trước Quốc hội về vấn đề này. Đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy may mắn khi một quyết định sáng suốt đã được đưa ra."
"Theo tôi, việc dừng đăng cai ASIAD 18 là một quyết định khó khăn nhưng dũng cảm. Quan trọng hơn, đây là quyết định rất hợp lòng dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại. Hy vọng sau khi dừng đăng cai ASIAD, các cơ quan chức năng sẽ dồn nguồn lực để đầu tư hơn nữa cho thể thao nước nhà." - Nhà báo Nguyễn Lưu cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải lại có một chút luyến tiếc với ASIAD 18: "Tôi cảm thấy một chút tiếc nuối vì không thể theo dõi ASIAD tổ chức trên đất nước mình. Nhưng dù sao, quyết định dừng đăng cai theo tôi là một quyết định chính xác. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn như hiện nay, việc tổ chức một kì Á vận hội tốn kém là chưa nên làm."
Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải. (ảnh: VNE)
"Cho dù có một chút tiếc nuối, nhưng theo tôi chúng ta vẫn nên đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Trong trường hợp chúng ta tổ chức ASIAD thì phải xét xem lợi ích cho đất nước thu được điều gì? Nếu như lợi ích của đất nước không được đảm bảo thì ngừng tổ chức là phải. Thủ tướng Chính phủ đã có một quyết sách hết sức sáng suốt." - Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải khẳng định.
Trước đó, Nguyên trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh đã trao đổi với phóng viên
VOV online những vấn đề liên quan đến việc rút đăng cai ASIAD: "Khi chúng ta xin đăng cai phải có văn bản hiệp định. Khi rút đăng cai cũng phải có hợp đồng với OCA. OCA sẽ đưa ra những vấn đề như là: phải tìm một nước khác làm thay, Việt Nam có hỗ trợ gì cho nước đó hay không?"
"Hiện nay, tôi chưa thấy nước nào muốn nhận đăng cai ASIAD 18. Trước đây, Ấn Độ xin đăng cai 3 lần đều không được, đến lần này Ấn Độ không tham gia nữa. Đài Loan (Trung Quốc) mới chỉ có dự định nhưng gác lại. UAE cũng mới chỉ có ý định nhưng sau đó đã xin rút lui. Trường hợp Indonesia lại không được chính phủ hỗ trợ. Mà OCA qui định nước nào đăng cai phải có sự bảo hộ của chính phủ."
Như vậy, sau quyết định rút đăng cai ASIAD 18, điều cần làm tiếp theo đối với ngành thể thao nước nhà là ngồi lại với Ủy ban Olympic châu Á (OCA) để bàn những phương án rút đăng cai. Quyền đăng cai đã được trao cho Việt Nam từ hơn 1 năm trước. Tính đến thời điểm ASIAD 2019 chính thức diễn ra, chỉ còn khoảng 5 năm nữa. Do đó, để Ủy ban Olympic châu Á chọn được một quốc gia phù hợp thay thế Việt Nam là một vấn đề không nhỏ.