Lễ hội vùng Kinh Bắc sáng 12.2 có nhiều hình ảnh phản cảm khi du khách chen nhau tìm cách nhét tiền vào tay tượng Phật. Còn dưới hồ, các liền anh liền chị vẫn hát quan họ xin tiền.
Hội Lim truyền thống vào 13.1 âm lịch hàng năm luôn đón một lượng du khách khổng lồ về dự.
Năm nay hội có sự xuất hiện của một pho tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay mới, ở giữa Chùa Lim. Ngay từ sớm, nhiều người đã đổ xô đến thắp hương rồi xoa và kẹp tiền vào các kẽ tay.
Suốt từ sáng sớm cho đến trưa, khu vực này luôn trong cảnh chen chúc người ra, vào, chủ yếu để được xoa tiền vào tượng.
Nhiều người lầm tưởng như thế là kính trọng, thần linh sẽ hiểu và ban phát lộc cho con người.
Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn Zing.vn, ông Vương Duy Bảo, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đã cho rằng việc mang tiền giắt vào tay tượng Phật, rải đầy dưới chân, dưới sàn là sự phỉ báng, hối lộ thánh thần. "Hiện tượng này là sự hỗn tạp bây giờ mới có. Người xưa luôn tâm niệm thần linh là một thế lực thiêng liêng của tầng trên, nên ứng xử với thần linh phải đạt được sự kính trọng và trong sáng chứ không ai ứng xử theo lối mua bán", ông Bảo khẳng định.
Còn tục hát quan họ trên thuyền là một nét đẹp nhưng nhiều năm qua các liền anh, liền chị này đã bị dư luận chỉ trích, phản đối việc vừa hát vừa ngả nón quai thao xin tiền khách dự hội. Có ý kiến cho rằng nó chẳng khác gì một gánh hát xẩm, làm mất đi bản sắc văn hóa lâu năm của vùng Kinh Bắc.
Năm nay thay vì cấm ngả nón xin tiền, các liền anh, liền chị lại dùng một chiếc khay nhựa.
Chỉ trong một buổi sáng, những người biểu diễn trên con thuyền rồng này đã xin được khá nhiều tiền. Có người cho vài chục nghìn, người thì đưa 5.000 đồng lẻ.
Ngoài ra, các hàng quán cũng bày la liệt hai bên đường và cả khu vực cấm.
Tệ nạn ăn mày ăn xin tuy vẫn hoành hành mặc dù có giảm hơn so với các năm trước.