Trong phần tranh luận, luật sư
Lưu Văn Tám tham gia bảo vệ quyền,
lợi ích hợp pháp đối với Ngân hàng Á Châu (ACB) phát biểu: “Ngân hàng ổn định thì kinh tế
sẽ vững chãi, nếu ngân hàng quản lý
lỏng lẻo dễ làm mất lòng tin, khiến khách hàng ngày càng xa lánh, chỉ còn có
cách ngân hàng sẽ đội nón ra đi”. Luật sư Tám yêu cầu, Ngân hàng Công thương (Vietinbank)
phải nhìn thẳng sự thật, nhận ra lỗ hổng của mình, từng bước củng cố lại hệ
thống, hạn chế rủi ro mới đem lại sự hồi phục tốt đẹp của ngân hàng này.
Luật sự Tám chứng minh quan điểm của mình rằng, trước đó ông Nguyễn Mạnh Toàn đại diện Vietinbank đã khẳng định đối với các hợp đồng do Vietinbank xác lập với khách hàng nếu hợp đồng thật thì Vietinbank sẽ trả cho khách hàng. Luật sư Tám cho rằng, đây là tình tiết diễn biến mới tại phiên tòa bởi thái độ dám làm dám chịu trách nhiệm đối với Vietinbank.
Bảo vệ cho thân chủ mình, luật sư Tám xác định, việc chuyển toàn bộ các hợp đồng phía ACB, các chữ ký đều là thật đối với Vietinbank. Tại thời điểm Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền là lúc Huyền Như đang giữ chức vụ trưởng phòng chi nhánh Điện Biên Phủ. Phòng giao dịch này được nhận tiền gửi và thanh toán tiền gửi... Như vậy, Huyền Như có trách nhiệm quản lý tiền của ACB gửi tại đây.
Tuy nhiên, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình nhằm chiếm đoạt tài sản của Vietinbank, theo luật sư cần xác định lại tội tham ô hay lừa đảo. Hành vi Huyền Như chiếm đoạt tiền Vietinbank sau khi tiền của khách hàng gửi vào đó, Huyền Như mới làm giả các hợp đồng để chiếm đoạt, việc làm này chẳng khác nào “cái nhà không có cửa, hay cái khóa bị hỏng, đó là sự lỏng lẻo, đây là lý do khách hàng mất tiền vì Vietinbank” - luật sư Tám đối đáp.
Việc cơ quan công tố cho là hậu quả của vụ án, Vietinbank không chịu trách nhiệm hình sự là thiếu sót. Việc cơ quan công tố kết luận trong bản luận tội Vietinbank không phải trả tiền cho ACB là không đúng, về trách nhiệm dân sự là không phù hợp pháp luật. Luật sư này cho rằng tòa xác định lại việc ACB là nguyên đơn dân sự là kỳ lạ.
Trong đó, Vietinbank là tư cách pháp nhân thì trước tiên pháp nhân này có sai phạm thì phải bỏ ra trả tiền trước sau đó xử phạt các cá nhân trong nội bộ mình sau. Theo luật sư, toàn bộ các khoản tiền ACB gửi vào Vietinbank đều là khoản tiền hợp pháp và sau khi chuyển vào Vietinbank thuộc sở hữu của ngân hàng này, và do vậy tiền bị mất là tiền của Vietinbank chứ không thể nói là ACB.
Luật sư đề nghị nếu có đủ cơ sở thì xác định lại tư cách tham gia tố tụng đối với ACB và Vietinbank. Vietinbank là nguyên đơn dân sự đối với hành vi phạm tội của Huyền Như và ACB là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuyên buộc Vietinbank phải hoàn trả ACB nợ gốc và cả lãi tổng cộng 913 tỷ đồng và lãi phát sinh bằng 150% lãi suất cơ bản. Đồng thời, đề nghị xem xét quy buộc trách nhiệm đối với Vietinbank Việt Nam và Vietinbank chi nhánh TP.HCM thiếu trách nhiệm trong sự quản lý cán bộ và hệ thống ngân hàng dẫn đến hành vi sai phạm hàng loạt của Huyền Như và các cán bộ Vietinbank.
Cũng cùng quan điểm trong phần tham gia bảo vệ cho thân chủ mình bị thiệt hại về vật chất trong vụ án, luật sư Ngô Đình Chấn (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Thái Bình Dương), luật sư Nguyễn Huy Dụ (tham gia bảo vệ quyền lợi phía các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên), luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền lợi cho Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông) cũng có cùng quan điểm trách nhiệm bồi thường dân sự vẫn là Vietinbank chứ không phải là Huyền Như như VKS đã kết luận trong bản luận tội trước đó.
Phiên tòa sẽ tiếp tục tranh luận vào ngày 16.1.