Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Mường, Mán… từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai… di cư tự do đến chân núi Yang Hanh (huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) lập nên làng, bản. Cuộc sống cơ cực cùng với đường sá cách trở, khiến việc học của con em họ không được xem trọng. Song, được sự vận động của chính quyền địa phương cũng như của ngành giáo dục tỉnh Đăk Lăk, đã có không ít con em của đồng bào quyết tâm đi tìm cái chữ.
Và những năm qua, đã có hàng trăm em bất chấp khó khăn vượt hàng chục kilômét đường rừng lầy lội từ các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao (huyện Krông Bông), Vụ Bổn (huyện Krông Păk), Cư San (huyện Mar Đrăk)… đến trung tâm xã Cư Drăm thuê đất, dựng lều bằng tranh tre để "nuôi" cái chữ. Nhà nào có tiền cho tiền, có gạo cho gạo, các em cứ thế cơm rau qua ngày, nhưng mỗi em khi đã quyết tâm đều nuôi trong lòng những ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Nhưng hôm nay (14.3), có đến 5 em ở cái xóm lều ấy vĩnh viễn chia tay bạn bè, chia tay thầy cô và cả những giấc mơ đẹp của mình để về với đất.
Một dãy lều "nuôi chữ" ở xã Cư Drăm. Tất cả các việc nấu nướng, giặt giũ..., các em đều phải tự lo cho mình. Không riêng gì con gái, con trai cũng phải tự nấu nướng. Bữa ăn của các em thường chỉ có cơm với rau sú xào. Song, các em vẫn quyết tâm "nuôi lớn" cái chữ. Sùng Thị Tránh (lớp 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo), Sùng Thị Huyền (lớp 7), Sùng Thị Sinh (lớp 6, cùng là học sinh Trường THCS Cư Drăm) - đều nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Nhưng hôm nay (14.3), xóm lều “nuôi chữ” ấy đã phải tiễn đưa 5 người bạn vĩnh viễn về với đất. Cuộc đưa tiễn ấy chìm trong nước mắt. Bà Trần Thị Bằng (chủ nhà trọ có 5 học sinh vừa bị tử vong) nói trong nước mắt: “Chúng nó đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Những đứa từng ở chỗ của tôi đã không ít đứa có bằng đại học. Ngờ đâu...”.